Kinh tế

Hàng Việt hiện diện chưa nhiều tại thị trường Anh

Lam Giang 30/10/2024 - 13:24

Hàng hoá Việt Nam có tỷ lệ khiêm tốn tại thị trường Anh. Một trong những nguyên nhân là do doanh nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu riêng và chưa có chiến lược tiếp cận thị trường hiệu quả.

30.10-toa-dam.jpg
Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: L.G

Thông tin được nêu tại tọa đàm “Xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh - Chiến lược và cách tìm kiếm thông tin”, do Tạp chí Công Thương tổ chức sáng 30-10.

Sau hơn 3 năm thực thi, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) đã trở thành cầu nối giúp gia tăng kim ngạch thương mại song phương. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là dệt may, da giầy, sản phẩm cơ khí, thuỷ sản…. với mức tăng trưởng từ 12 đến 19%.

Nhờ UKVFTA, hàng hóa Việt Nam đang dần có ưu thế nổi trội so với sản phẩm cùng lại từ các quốc gia khác chưa có FTA với Anh.

Tuy nhiên, thị phần hàng hóa của Việt Nam vẫn rất khiêm tốn. Một trong những nguyên nhân là do các doanh nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu riêng và chưa có chiến lược tiếp cận thị trường hiệu quả.

Ông Nguyễn Cảnh Cường, nguyên Tham tán công sứ tại Vương quốc Anh cho biết, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế trong việc tìm kiếm và phân tích thông tin. Trong khi nguồn thông tin miễn phí về doanh nghiệp Anh đều có trên trang companieshouse.gov.uk.

“Tôi từng chứng kiến doanh nghiệp Việt Nam suốt mười năm làm việc cùng một đối tác "thuận buồm xuôi gió". Khi tin tưởng cho bạn giao hàng trước trả tiền sau thì đối tác sắp phá sản, doanh nghiệp tự đưa mình vào tình huống rủi ro rất cao”, ông Nguyễn Cảnh Cường nói.

Do đó, theo ông Cường không nên coi nhẹ việc kiểm tra tình trạng tài chính của đối tác, kể cả đối tác truyền thống.

fd4_2780.jpg
Dệt may là ngành hàng có cơ hội lớn xuất khẩu
sang Anh. Ảnh: Nguyễn Hạnh

Ông Vũ Việt Thành, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh cần phải tra cứu kỹ lưỡng thông tin về thị trường, doanh nghiệp, đối tác, tránh trường hợp bị lừa đảo, gian lận.

Mặt khác, doanh nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quy trình sản xuất, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm…; xác định rõ phân khúc thị trường; nghiên cứu chuyên sâu về thị hiếu, xu hướng thị trường.

Các diễn giả tham gia tọa đàm có chung đánh giá, trong bối cảnh hàng Việt phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm của nhiều quốc gia trên “sân chơi” toàn cầu, cần thiết phải có chiến lược xúc tiến thương mại, liên kết, tiếp cận thị trường… từ đó nâng cao giá trị thương hiệu Việt, gia tăng thị phần hàng Việt Nam, tận dụng tối đa lợi thế của UKVFTA.