Tuyên án các bị cáo trong vụ cháy quán karaoke An Phú, tỉnh Bình Dương
Hội đồng xét xử xác định cáo trạng truy tố 6 bị cáo là đúng người, đúng tội, không oan sai.
Sau 7 ngày xét xử, sáng 30-10, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã tuyên án đối với 6 bị cáo trong vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại quán karaoke An Phú (thành phố Thuận An) vào năm 2022, khiến 32 người tử vong và 3 người bị thương nặng.
Theo đó, Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo: Lê Anh Xuân 8 năm tù - chủ quán karaoke An Phú; Phạm Thị Hồng 7 năm 6 tháng tù - cựu Phó đội trưởng Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH, Công an tỉnh Bình Dương; Phạm Quốc Hùng 7 năm tù, Vũ Trường Sơn 5 năm 6 tháng tù - đều là cựu cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH, Công an tỉnh Bình Dương; Nguyễn Thành Luân 5 năm tù - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thái Bình Anh, về tội "Vi phạm các quy định về PCCC".
Bị cáo Nguyễn Văn Võ 4 năm tù - cựu cán bộ Đội Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH, Công an thành phố Thuận An, về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Ngoài ra, các bị cáo Xuân, Hồng, Hùng, Sơn có trách nhiệm liên đới bồi thường tổn thất tinh thần, liên đới cấp dưỡng cho con nhiều bị hại trong vụ cháy.
Hội đồng xét xử nhận định, qua điều tra, xác định Lê Anh Xuân là người đứng đầu cơ sở kinh doanh karaoke An Phú tại khu phố 1A, phường An Phú, thành phố Thuận An; quá trình xây dựng và hoạt động không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về PCCC - CNCH.
Đáng chú ý, trong quá trình điều tra, xét xử, phần lớn các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội. Riêng bị cáo Phạm Thị Hồng một mực kêu oan và cho rằng bị cáo không thực hiện các hành vi như cáo trạng quy kết. Tuy nhiên, căn cứ vào hồ sơ vụ án, diễn biến tại tòa, Hội đồng xét xử xác định cáo trạng truy tố 6 bị cáo là đúng người, đúng tội, không oan sai.
Theo hồ sơ, ngày 6-9-2022, cơ sở kinh doanh karaoke An Phú tại phường An Phú (thành phố Thuận An) xảy ra sự cố chập điện gây cháy lan. Thời điểm đó, hơn 60 người có mặt trong quán, nhưng chỉ một nửa số người may mắn thoát nạn. Hậu quả, 32 người tử vong và 3 người bị thương nặng. Kết quả giám định kết luận nguyên nhân vụ cháy là do hệ thống điện, PCCC của cơ sở không bảo đảm an toàn.
Bị cáo Xuân - chủ cơ sở kinh doanh karaoke An Phú, thuê bị cáo Phạm Thị Hồng tổ chức thi công và hoàn thiện hệ thống PCCC của quán. Hồng không đủ điều kiện về chuyên môn, cơ sở pháp lý để thi công và hoàn thiện hồ sơ xin nghiệm thu hệ thống PCCC nên đã thuê bị can Nguyễn Duy Linh, nguyên Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC Công an thành phố Thuận An (đã qua đời trong quá trình điều tra) thực hiện.
Sau khi ông Linh thi công xong, bà Hồng lợi dụng mối quan hệ đồng nghiệp với Phạm Quốc Hùng, tác động người này nghiệm thu hệ thống PCCC của quán karaoke An Phú. Tuy nhiên, Hùng không kiểm tra, không nghiệm thu theo quy định mà lập khống biên bản nghiệm thu nhằm hợp thức hóa hồ sơ.
Hồng sau đó đưa biên bản kiểm tra, nghiệm thu cho Nguyễn Thành Luân (do Công ty TNHH MTV Thái Bình Anh có đủ chức năng thiết kế, thi công các hạng mục liên quan đến PCCC) nhờ ký khống vào biên bản. Công ty Thái Bình Anh không phải là đơn vị thi công, Luân cũng không đến quán karaoke An Phú để tham gia nghiệm thu, nhưng nể nang Hồng là cán bộ cảnh sát PCCC nên đã ký vào biên bản, dưới mục đơn vị thi công.
Tiếp đó, Hùng tham mưu cho cấp trên ký nháy vào công văn xác nhận nghiệm thu hệ thống PCCC cho quán karaoke An Phú để đề xuất Phòng Cảnh sát PCCC Bình Dương tạo điều kiện cho cơ sở này đi vào hoạt động.
Bị cáo Vũ Trường Sơn là người kiểm tra bản thuyết minh thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thiết kế về PCCC tại cơ sở An Phú và lập bảng đối chiếu quy chuẩn. Tuy nhiên, Sơn không phát hiện hồ sơ thiết kế của cơ sở có một số nội dung chưa bảo đảm, vẫn xây dựng báo cáo trình cấp trên.
Từ năm 2020 đến tháng 9-2022, Nguyễn Văn Võ là cán bộ được phân công nhiệm vụ hướng dẫn kiểm tra công tác PCCC tại quán karaoke An Phú, nhưng đã không thực hiện, không phát hiện vi phạm của chủ cơ sở, dẫn đến vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Theo Hội đồng xét xử, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến trật tự an toàn PCCC, gây hậu quả nghiêm trọng làm 32 người thiệt mạng, do đó, cần có mức án phù hợp để răn đe.