Lực mua chiếm ưu thế kéo chỉ số MXV-Index phục hồi
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), lực mua quay lại, chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới. Đóng cửa ngày giao dịch 29-10, chỉ số MXV-Index tăng 0,24% lên 2.154 điểm.
Khép lại phiên giao dịch ngày hôm qua, bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp phân hóa rõ nét giữa sắc xanh và đỏ. Tuy nhiên, lực mua vẫn chiếm áp đảo khi nhiều mặt hàng đồng loạt tăng giá.
Đáng chú ý, giá ca cao dẫn đầu đà tăng của cả nhóm sau khi bứt phá hơn 5,06% so với tham chiếu. Mưa lớn liên tiếp tại các khu vực trồng ca cao ở châu Phi khiến thị trường chuyển trạng thái từ kỳ vọng tích cực sang lo ngại sâu bệnh bùng phát, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng.
Ở chiều ngược lại, giá hai mặt hàng cà phê đều quay đầu giảm sau chuỗi tăng hai phiên liên tiếp. Cà phê Arabica giảm 1,68% về 5.469,7 USD/tấn trong khi giá Robusta giảm 2.31% xuống 4.398 USD/tấn. Diễn biến này chủ yếu bị chi phối bởi biến động tỷ giá USD/BRL thay vì các yếu tố cung - cầu cơ bản.
Cụ thể, đồng Real Brazil suy yếu trong khi chỉ số Dollar Index đi ngang đã đẩy tỷ giá USD/BRL lên mức cao nhất 12 tuần. Điều này làm dấy lên lo ngại Brazil có thể đẩy mạnh xuất khẩu cà phê để hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá, từ đó gây áp lực lên cán cân cung - cầu toàn cầu.
Sắc xanh chiếm ưu thế trên thị trường nông sản trong phiên giao dịch hôm qua, trong đó lúa mì dẫn dắt đà tăng của cả nhóm.
Trong khi đó, giá ngô hợp đồng tháng 12 cũng khởi sắc với mức tăng nhẹ 0,73%, chủ yếu được hỗ trợ bởi đà tăng mạnh của giá lúa mì, bất chấp tình hình mùa vụ tại Mỹ khá tích cực.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong hôm qua 29-10, giá chào bán ngô Nam Mỹ về cảng nước ta giảm nhẹ. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào ngô kỳ hạn giao tháng 12/2024 dao động trong mức 6.600 - 6.650 đồng/kg. Trong khi đó, đối với kỳ hạn giao hàng tháng 1 năm sau, ngô Nam Mỹ được chào bán quanh mức giá 6.650 - 6.700 đồng/kg. Tại cảng Cái Lân, giá chào bán ghi nhận cao hơn 50 -100 đồng so với cảng Vũng Tàu.