Thị trường

Giá dầu thế giới tiếp tục xu hướng giảm: Hệ quả tất yếu

Hoàng Linh 30/10/2024 - 07:01

Những diễn biến chính trị mới trên toàn cầu khiến giá dầu thô tại các sàn giao dịch tiếp tục giảm. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, xu hướng này còn tiếp diễn bởi hệ quả đến từ các nền kinh tế tiêu thụ năng lượng chính chưa có dấu hiệu khởi sắc thực sự.

khu-vuc-khai-thac-dau-va-loc-khi-dot-tu-nhien-tai-asaluyeh-iran-.-anh-times-of-israel.jpg
Khu vực khai thác dầu và lọc khí đốt tự nhiên tại Asaluyeh (Iran). Ảnh: Times of Israel

Chiều 29-10 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent tiếp tục giảm 0,81% xuống còn 67,4 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 3,15 USD (4,4%) xuống 68,63 USD/thùng. Trước đó, giá hai loại dầu này cũng đồng loạt giảm. Việc giá dầu liên tục "trượt dốc" bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trước hết, thị trường dầu mỏ toàn cầu trong nhiều tuần qua đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc trả đũa của Israel sau cuộc tấn công trực tiếp của Iran - quốc gia chiếm 4% nguồn cung dầu toàn cầu - vào đầu tháng này. Tuy nhiên, cuộc tấn công ngày 26-10 của Tel Aviv lại chỉ nhằm vào các cơ sở quân sự của Tehran, không ảnh hưởng đến các cơ sở hạ tầng dầu mỏ và dân sự... Theo truyền thông bản địa, ngành công nghiệp dầu mỏ Iran vẫn đang hoạt động và không vấp phải bất cứ gián đoạn nào. Ngay khi tâm lý lo lắng được giải tỏa, giới đầu cơ đã bán tháo dầu mỏ, khiến giá dầu toàn cầu "lao dốc" nhanh chóng.

Yếu tố thứ hai khiến giá dầu mỏ đều đặn giảm trong những phiên giao dịch vừa qua là tình trạng cung vượt cầu vẫn tiếp diễn. Theo Lipow Oil, sản lượng dầu hiện nay không chỉ tăng ở các quốc gia cung ứng chủ chốt như Mỹ, Canada và Brazil, mà còn tăng ngay cả ở những quốc gia nhỏ hơn như Argentina và Senegal.

Việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) giữ nguyên chính sách về sản lượng trong tháng trước, bao gồm kế hoạch tăng sản lượng thêm 180.000 thùng/ngày từ tháng 12, cũng góp phần tạo áp lực lên giá dầu. Theo nhận định của ông Matt Portillo, chuyên gia phân tích tại Tudor, Pickering, Holt, giá dầu WTI trong năm 2025 có thể ở mức 65 USD/thùng và thậm chí còn thấp hơn nếu OPEC+ không kiểm soát được việc bơm thêm dầu vào thị trường.

Trong khi đó, nhu cầu dầu trên toàn cầu tiếp tục thấp trong bối cảnh tích trữ phục vụ nhu cầu mùa đông đã tạm lắng và kinh tế Trung Quốc vẫn phục hồi chậm chạp. Ở Mỹ, tiêu thụ nhiên liệu máy bay theo mùa đang ở mức thấp, trong khi tiêu thụ xăng cũng giảm, khiến nhu cầu dầu thô không cao.

Trước thực trạng như vậy, dù dầu thô nhận được một số hỗ trợ, như kế hoạch mua tới 3 triệu thùng phục vụ dự trữ chiến lược của Mỹ hay Trung Quốc hạ lãi suất cơ bản để kích thích nền kinh tế, thì việc đảo chiều xu hướng giảm giá chưa thể xảy ra. Ngân hàng Citi dự báo, giá dầu Brent có thể giảm từ 74 USD/thùng xuống 70 USD/thùng trong 3 tháng tới. Các chuyên gia của Lipow Oil nhận định, việc giá dầu Brent trong năm nay đạt 80 USD/thùng là “không tưởng”.

Hiện tại, giới đầu tư dồn sự chú ý vào việc liệu Iran có phản công trả đũa Israel trong những tuần tới hay không. Theo Rapidan Energy, xung đột trực tiếp giữa Israel và Iran khả năng cao sẽ tiếp diễn, và không loại trừ khả năng Tel Aviv sẽ nhắm vào các mục tiêu năng lượng và hạt nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa Hồi giáo trong các cuộc tấn công tiếp theo.

Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia chỉ ra rằng, các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Hamas - Israel và Israel - Hezbollah đã được nối lại vào cuối tuần qua, cũng có thể tác động tới giá dầu. Ngoài ra, thị trường dầu mỏ vừa qua cũng ảnh hưởng do lo ngại bất ổn về cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ. Tuy nhiên, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đi vào hồi kết và những hứa hẹn tranh cử về chính sách năng lượng của cả hai ứng viên đều tiềm ẩn những tác động đáng kể đến thị trường dầu mỏ.

Có thể thấy, tình hình địa chính trị tiếp tục diễn biến phức tạp không ngừng tác động đến giá dầu mỏ thế giới. Thị trường cũng ngày càng phản ứng nhanh hơn trước những thay đổi về nhu cầu, cũng như những thay đổi chiến lược trong chính sách năng lượng của các nền kinh tế lớn.