OCOP Hà Nội

Phát triển vùng trồng nhãn chín muộn Đại Thành

Hoàng Sơn 30/10/2024 - 06:31

Nhãn chín muộn xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) từ lâu đã trở thành cây ăn quả đặc sản và là cây trồng chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương.

Phát huy thế mạnh của cây trồng chủ lực, ngành Nông nghiệp Quốc Oai phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phát triển vùng nhãn chín muộn quy mô lớn để hướng tới xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng.

nhan-chin-muon-dai-thanh-la-cay-trong-chu-luc-tai-xa-dai-thanh-huyen-quoc-oai-.-anh-thanh-huyen.jpg
Nhãn chín muộn Đại Thành là cây trồng chủ lực tại xã Đại Thành (huyện Quốc Oai).

Xã Đại Thành được quy hoạch vùng chuyển đổi trồng cây ăn quả với diện tích hơn 160ha, chủ yếu là nhãn chín muộn. Đến năm 2024, toàn xã đã phát triển được hơn 100ha nhãn chín muộn cho thu hoạch.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành Đinh Văn Thủy, nhãn chín muộn được trồng ở vùng đất Đại Thành có 2 loại: HTM1 và THM2. Đây là 2 giống nhãn muộn được các nhà khoa học tuyển chọn từ những cây đầu dòng trên địa bàn xã, vì thế có chất lượng cao, cùi dày, giòn, ráo nước, vị thơm và ngọt đậm, đã trở thành cây trồng chủ lực của địa phương.

Thời gian thu hoạch 2 giống nhãn này gối nhau và muộn hơn các giống nhãn đại trà 30-45 ngày (từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 9) nên đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Đặc biệt, nhãn chín muộn Đại Thành đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể; được UBND thành phố Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 4 sao. Đây là tiền đề quan trọng để nhãn chín muộn của hợp tác xã khẳng định chất lượng và uy tín với người tiêu dùng.

Chia sẻ hiệu quả kinh tế từ cây nhãn chín muộn mang lại, ông Lý Đình Quang, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành cho biết, gia đình ông trồng 8 sào nhãn, cho thu hoạch ổn định 18-20 năm nay. Những năm được mùa, gia đình thu được 5-7 tấn quả, với giá bán buôn 45.000 đồng/kg, tính ra cho thu nhập đạt 240-280 triệu đồng/năm, lợi nhuận gấp 4 lần cấy lúa và trồng cây rau màu khác.

“Chính nhờ trồng cây nhãn, gia đình tôi cũng như hơn 600 hộ dân khác ở địa phương có cuộc sống ổn định”, ông Quang cho hay.

Tuy là cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu lớn cho địa phương, nhưng 3 năm trở lại đây, do tác động của thời tiết, thiếu nhân lực, thị trường bất động sản sôi động, một số thành viên hợp tác xã đã phá bỏ cây nhãn, chia đất, tách thửa xây nhà bán, dẫn đến diện tích trồng nhãn ở xã Đại Thành giảm đáng kể.

Phó Chủ tịch UBND xã Đại Thành Đinh Văn Lâm cho biết, để phát triển và bảo tồn giống nhãn quý của địa phương, UBND xã đang chỉ đạo Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, từ đó nghiên cứu biện pháp hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Đối với hợp tác xã, xây dựng kế hoạch phối hợp với Phòng Kinh tế huyện mời các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích về bao tiêu sản phẩm cho xã viên. Đồng thời, hằng năm, hợp tác xã mời đại diện các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện về hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, áp dụng công nghệ thông tin vào quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng số, mạng xã hội để nâng cao thương hiệu và giá trị kinh tế cho cây trồng.

Ngoài ra, để bảo vệ diện tích trồng nhãn chín muộn 160ha theo đề án chuyển đổi đã được phê duyệt, Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành đề xuất UBND huyện Quốc Oai quy hoạch vùng chuyên canh nhãn quy mô lớn và hỗ trợ kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng (mương thoát nước, điện chiếu sáng, giao thông…) trong vùng chuyển đổi; mở các lớp tập huấn, nâng cao kỹ thuật chăm sóc cho các hộ dân để nhãn ra hoa, đậu nhiều quả và các biện pháp ứng phó với diễn biến tiêu cực của thời tiết ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của nhãn…

Để hướng đến xuất khẩu nhãn chín muộn ra thế giới, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội) đang phối hợp với UBND huyện Quốc Oai và Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng vùng trồng nhãn chuyên canh quy mô lớn theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời hỗ trợ đầu tư hệ thống bảo quản, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp…, nhằm bảo tồn, phát triển bền vững vùng trồng nhãn chín muộn trọng điểm này.