Hà Nội kết nối

Có một địa đạo lịch sử ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Nhóm phóng viên 29/10/2024 16:00

Đó là Địa đạo Long Phước tại thành phố Bà Rịa. Di tích quốc gia này là chứng tích hào hùng của quân và dân ta về công trình sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

581-202410291952081.jpg
Một lối vào địa đạo Long Phước. Ảnh: An Nhiên

Di tích độc đáo

Những ngày cuối tháng 10-2024, chúng tôi tìm về Di tích quốc gia Địa đạo Long Phước tại xã Long Phước, cách trung tâm thành phố Bà Rịa khoảng 7km. Đây là địa bàn “điểm nóng” suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, bởi xã Long Phước có vị trí trọng yếu tại các đường giao thông huyết mạch 52 và 23, vốn là các trục nối liên tỉnh Bà Rịa - Long Khánh xưa. Ta và địch thường xuyên giành nhau để đứng chân trên địa bàn chiến lược này.

Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn ghi lại: Năm 1948, để bảo toàn lực lượng và giữ vững địa bàn trước những trận càn quét của quân Pháp, Đảng bộ Long Phước đã phát động phong trào đào hầm bí mật trong toàn xã. Đến năm 1949, Chi bộ xã đã có Nghị quyết xây dựng địa đạo vừa để bảo toàn lực lượng, vừa có thể đánh trả địch. Thực hiện Nghị quyết, quân và dân Long Phước đã phát triển hệ thống địa đạo ở 5 ấp: Đông, Tây, Nam, Bắc và Phước Hữu. Các cụm địa đạo được nối với nhau bởi đường xương sống, có hầm bí mật chứa lương thực dự trữ với các công sự chiến đấu. Đường địa đạo xương sống cách mặt đất 2-3m, lòng địa đạo cao 1,5-1,6m, rộng 0,6-0,7m đảm bảo đi lại, vận chuyển dễ dàng.

581-202410291952082.jpg
Địa đạo An Phước đã và đang là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ tiếp nối. Ảnh: An Nhiên.

Ban đầu, địa đạo là đoạn hầm dài 300m trong vườn nhà ông Năm Hồi. Đây là nơi lực lượng vũ trang cách mạng địa phương đã trú đóng, chiến đấu và chiến thắng cuộc càn quét lớn của quân Pháp vào tháng 10-1949. Đến năm 1963, hệ thống địa đạo Long Phước phát triển thêm 200m hầm ở ấp Tây Nam. Cùng với đó, một hệ thống hầm hào, ụ chiến đấu, kho lương thực, hầm cứu thương... được xây dựng, trở thành căn cứ tiền tiêu vững chắc để lực lượng vũ trang cách mạng bám trụ, chiến đấu và chiến thắng nhiều cuộc tấn công của quân Mỹ và chư hầu.

Điển hình trong số đó là trận chiến 44 ngày đêm (từ ngày 5-3 đến 1-4-1963). Hai trung đội 445 và C20 bộ đội huyện cùng du kích chốt giữ tại đây đã nhiều lần đánh bật các cuộc tiến công của quân địch gồm tiểu đoàn 61, tiểu đoàn 38 Biệt động quân được xe bọc thép, máy bay và pháo binh yểm trợ. 250 chiến sĩ và nhân dân đã từ lòng địa đạo kiên cường đánh địch, tiêu diệt và làm bị thương 143 tên địch, phá hủy 12 xe M113 và đánh bại trận càn quét của địch với lực lượng đông gấp bội.

581-202410291952083.jpg
Mô hình mặt cắt ngang địa đạo Long Phước. Ảnh: An Nhiên

Qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, quân và dân Long Phước đã đào được hơn 3.600m địa đạo. Trải qua bao mưa bom, bão đạn, địa đạo và quân dân Long Phước vẫn đứng vững kiên cường, xứng đáng với danh hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng

Ngày nay, Khu Di tích Địa đạo Long Phước (được công nhận là Di tích quốc gia từ năm 1990) đang là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ không chỉ của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mà còn của cả vùng Đông Nam Bộ. Hôm 26-10 vừa qua, chúng tôi đã chứng kiến các đoàn học sinh, sinh viên, thanh niên... tổ chức các buổi về nguồn tại đây.

581-202410291952084.jpg
Thế hệ trẻ đến tham quan di tích địa đạo Long Phước. Ảnh: Thảo Linh Uyên

Sau khi thắp nén nhang tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang được thờ phụng tại đây, em Mai Thị Hồng Lý (học sinh lớp 9A5, Trường THCS Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) xúc động chia sẻ: “Em bất ngờ khi ở đây đang thờ phụng 98 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và 493 liệt sĩ của xã Long Phước. Chúng em sẽ luôn phấn đấu học tập tốt để trở thành công dân có ích cho quê hương, đất nước”.

Theo Ban Quản lý di tích, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang trùng tu, tôn tạo khu di tích này, đón du khách trong và ngoài nước đến tham quan và tìm hiểu về lịch sử cách mạng. Điển hình, đoạn địa đạo tại khu vực ấp Bắc nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt đã được tôn tạo nguyên gốc dài gần 2.000m với 7 lối lên xuống rộng khoảng 0,8-1m, cao khoảng 1,6-1,8m...

581-202410291952085.jpg
Du khách quốc tế tham quan địa đạo Long Phước. Ảnh: Kim Khanh

Chúng tôi cùng xuống địa đạo. Từ một miệng hầm nhỏ hẹp, từng người đi vào thế giới bí ẩn dưới lòng đất trong không gian ẩm thấp, ánh sáng mờ ảo. Có lúc từng người phải bò trườn qua một số đoạn đường hầm. Suốt dọc đoạn địa đạo, có nhiều công trình ngầm độc đáo như hầm trú ẩn, nơi ở, nơi hội họp, bệnh xá, bếp Hoàng Cầm... Chúng tôi như cảm nhận rõ hơn về sự gian lao và anh dũng của cha ông trong suốt những năm tháng kháng chiến chống ngoại xâm, góp sức với cả nước giành độc lập, tự do, thống nhất và phát triển như ngày nay.

Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Đồng đội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Thôi Đại Việt thông tin, để tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, Tỉnh Đoàn và Hội Đồng đội tỉnh đã và đang tổ chức nhiều chuyến hành trình du khảo đến các di tích lịch sử trong tỉnh, trong đó có Địa đạo Long Phước để lớp trẻ hiểu sâu sắc hơn về truyền thống cách mạng, từ đó, bồi đắp thêm cho các em tình yêu quê hương, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ.