Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài: Tăng cường phân cấp, ủy quyền phải gắn với bố trí nguồn lực cho địa phương
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho rằng, việc tăng cường phân cấp, ủy quyền phải gắn với bố trí nguồn lực cho các địa phương.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, chiều 29-10, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Thảo luận tại tổ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết, thời gian qua, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm cũng như Bộ Chính trị nhấn mạnh đến việc tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, những khó khăn, vướng mắc để giải phóng nguồn lực cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Trên tinh thần đó, Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu cũng như các cơ quan liên quan thực hiện hiệu quả công tác xây dựng pháp luật; “một luật sửa nhiều luật” nhưng tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn, mà góp phần thúc đẩy sự phát triển khi triển khai trong thực tiễn.
Đánh giá cao các cơ quan chủ trì soạn thảo của Chính phủ đã quyết tâm, quyết liệt để các dự án luật được trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ tám này, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh đến việc sửa đổi Luật Đầu tư công và “một luật sửa nhiều luật”.
“Như nhiều đại biểu đánh giá, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán như một cuộc cách mạng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay”, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh.
Phân tích từng nội dung cụ thể liên quan đến việc sửa đổi Luật Đầu tư công như các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội quan tâm đến nội dung phân cấp, ủy quyền cho các địa phương. Trên tinh thần đó, việc tăng cường phân cấp, ủy quyền phải gắn với bố trí nguồn lực cho các địa phương.
Cơ bản nhất trí với các ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luật tại tổ Hà Nội về việc sửa đổi Luật Đầu tư công, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài cho rằng, việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập là một bước tiến bộ lớn trong xây dựng luật.
“Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng trong các dự án đầu tư còn chậm do nhiều nguyên nhân, liên quan đến giá đền bù, rồi nguồn gốc đất của người dân và tổ chức... Hỗ trợ và đền bù giải phóng mặt bằng là hai công việc khác nhau”, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài phân tích.
Lấy ví dụ thực tiễn những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng tại Hà Nội, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài nhất trí với kiến nghị của các đại biểu Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình những nội dung còn ý kiến khác nhau trong Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), đặc biệt là những nội dung liên quan đến việc phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý.