Chính sách thuế phải hỗ trợ sản xuất “tự lực, tự chủ, tự cường”
Sáng 29-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, thuế giá trị gia tăng đối với phân bón được sửa đổi từ năm 2014 tại Luật Thuế giá trị gia tăng số 71/2014/QH13, chuyển từ diện đang chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế. Chính sách này đã ảnh hưởng bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước suốt thời gian vừa qua, vì thuế giá trị gia tăng đầu vào của các doanh nghiệp này không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí, bao gồm cả thuế đầu vào rất lớn đối với đầu tư, mua sắm tài sản cố định, làm giá thành sản xuất trong nước tăng cao, không thể cạnh tranh với nhập khẩu.
Điều này đặt trong xu thế cung vượt cầu trên thị trường phân bón thế giới từ năm 2015 đến trước thời điểm dịch Covid-19 đã làm nhiều doanh nghiệp trong nước lỗ lớn, phải thu hẹp sản xuất. Ngược lại, phân bón nhập khẩu được hưởng lợi do đang chịu thuế 5% được chuyển sang không chịu thuế và vẫn được hoàn toàn bộ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Do đó, để xử lý những bất cập trong chính sách đối với ngành sản xuất phân bón thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo được giữ như dự thảo Luật đã được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, quy định rõ trong dự thảo Luật về các trường hợp cung cấp hàng hóa cho các khách hàng nước ngoài được áp dụng thuế suất 0% nhất thiết phải được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, không bao gồm trường hợp hàng hóa được giao dịch giữa các đối tác trong nước theo chỉ định của thương nhân nước ngoài và thực chất được tiêu dùng trong nước, để tránh lợi dụng, gây thất thu ngân sách.
Thảo luận về dự thảo Luật, đồng tình với quy định mức thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ được các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam cung cấp cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam qua kênh thương mại điện tử và các nền tảng số, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Đoàn Nghệ An) dẫn số liệu tháng 3-2023, hằng ngày có 4-5 triệu đơn hàng thương mại điện tử giá trị nhỏ được vận chuyển qua biên giới vào Việt Nam.
“Nếu trung bình mỗi đơn hàng là 200 nghìn đồng thì tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu hằng ngày lên tới khoảng 800 tỷ đồng. Con số này có thể tăng lên bởi thương mại điện tử nước ta đang thuộc tốp 10 nước phát triển nhanh nhất thế giới. Từng đơn hàng giá trị có thể nhỏ, nhưng tổng số lượng rất lớn, nếu tiếp tục miễn thuế thì sẽ không thu được lượng thuế khá lớn, thậm chí xảy ra tình trạng “xé nhỏ” đơn hàng để tránh thuế; đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến nhà sản xuất và ngành bán lẻ trong nước do hàng hóa nhập khẩu được hưởng lợi thế lớn”, đại biểu nói.
Tại phiên họp, một số ý kiến đại biểu Quốc hội tiếp tục bày tỏ lo ngại khi chuyển phân bón sang chịu thuế 5% thì người nông dân sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, nếu các doanh nghiệp trong nước cấu kết với tư thương bán hàng nhập khẩu, nâng giá bán gồm cả phần thuế giá trị gia tăng phải nộp làm tăng mặt bằng giá phân bón, dẫn đến tăng giá thành sản xuất nông nghiệp.
Tranh luận với những ý kiến trên, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, tỷ trọng phân bón nhập khẩu hiện chỉ chiếm 27% thị phần trong nước nên giá bán của phân bón nhập khẩu cũng phải điều chỉnh theo mặt bằng của thị trường khi phân bón sản xuất trong nước có xu thế và dư địa giảm giá, do được khấu trừ hoặc hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào nên sẽ cắt giảm được chi phí, hạ giá thành sản xuất.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, phân bón hiện là mặt hàng được nhà nước bình ổn giá, vì vậy các cơ quan quản lý chức năng có thể sử dụng các biện pháp quản lý thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước lợi dụng chính sách mới ban hành, cấu kết với tư thương để có các hành vi trục lợi, gây biến động lớn về giá, làm ảnh hưởng đến khu vực nông nghiệp.
Đồng tình với việc phân bón chịu thuế giá trị gia tăng 5%, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị cần phân tích vấn đề này rộng hơn khi đất nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình với tiêu chí “tự lực, tự chủ, tự cường”.
“Thế nhưng hiện hàng loạt hàng hóa chúng ta vẫn đang phụ thuộc vào nhập khẩu… Cần xem lại chính sách thuế của chúng ta có khuyến khích cho sản xuất trong nước hay không?”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với quy định hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ hai trăm triệu đồng trở xuống là đối tượng không chịu thuế.