An toàn thực phẩm

Thông tin trên nhãn thực phẩm cảnh báo những gì?

Xuân Lộc 29/10/2024 08:32

Thực phẩm chế biến sẵn xuất hiện ngày một nhiều tại các siêu thị lớn, nhỏ hay trong các cửa hàng tạp hóa.

Việc trang bị tốt kỹ năng đọc nhãn thực phẩm sẽ giúp người tiêu dùng biết cách phân biệt, lựa chọn những sản phẩm chất lượng tốt, an toàn và phù hợp với sức khỏe. Thế nhưng, không phải người tiêu dùng nào cũng hiểu và quan tâm đến việc đọc nhãn sản phẩm.

doan-kiem-tra-lien-nganh-so.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội kiểm tra nhãn mác thực phẩm tại một siêu thị ở quận Hoàng Mai. Ảnh: Trang Thu

Cẩn thận mua phải hàng hết “date”, hàng giả

Theo quy định, tất cả các loại thực phẩm đóng gói đều phải có nhãn ghi thành phần dinh dưỡng dán trên bao bì thực phẩm. Nhãn sản phẩm giúp cung cấp một số thông tin về sản phẩm đó như: Tên gọi, hương vị, màu sắc, trọng lượng, thành phần dinh dưỡng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, nơi sản xuất… Qua đó, người tiêu dùng biết được sản phẩm nào phù hợp với mục đích sử dụng. Thế nhưng, không phải người tiêu dùng nào cũng hiểu và quan tâm đến những thông tin ghi trên nhãn thực phẩm.

Đề cập đến vấn đề này, bà Vũ Thị Nhật Lệ, Khoa Dinh dưỡng và phụ gia thực phẩm (Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia) cho rằng, các sản phẩm thực phẩm ngày càng được sản xuất đa dạng và phong phú về thể loại, hình thức, màu sắc, hương vị và sự tiện lợi. Các nhà kinh doanh thực phẩm ngày càng biết cách chiều theo tâm lý người tiêu dùng khi liên tục cho ra các sản phẩm bắt mắt, hương vị tốt và tiện lợi. Kết quả là các quyết định mua sản phẩm được đưa ra một cách dễ dàng. Không ít người khi chọn lựa sản phẩm chỉ quan tâm đến thương hiệu, độ “hot” của sản phẩm mà quên mất việc đọc nhãn thành phần, ngày sản xuất, hạn sử dụng…

Theo bà Vũ Thị Nhật Lệ, việc không quan tâm hay không đọc một số thông tin cần thiết trên nhãn sản phẩm có thể dẫn đến mua phải hàng giả, hàng nhái hoặc đã hết “date” (quá hạn sử dụng). Thậm chí, khi người tiêu dùng không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và cách bảo quản thực phẩm được ghi trên nhãn mác sẽ dẫn đến sử dụng, bảo quản sai cách gây nên những ảnh hưởng nguy hại cho sức khỏe.

Bên cạnh đó, thực phẩm chứa các thành phần gây dị ứng như: Lactose, gluten… hay các loại hạt, tôm… được lưu ý trên nhãn mác nếu không quan tâm dễ kéo theo nguy cơ ảnh hưởng không nhỏ với những người có cơ địa dị ứng. Bởi vì những thực phẩm chứa các thành phần gây dị ứng khi đã đi vào cơ thể có thể gây ra tình trạng: Sưng, ngứa họng, miệng, đau bụng, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, hoa mắt, chóng mặt, nổi ban đỏ, ngứa trên da… Nặng hơn là gây khó thở, huyết áp giảm, thậm chí tử vong.

Các chuyên gia dinh dưỡng lưu ý, không phải tất cả chất dinh dưỡng hoặc thành phần được liệt kê trên nhãn là như nhau. Đơn cử như một số chất được ghi trên nhãn thực phẩm có lợi cho sức khỏe như: Chất xơ, vitamin và các khoáng chất cần được bổ sung trong mỗi khẩu phần. Còn với những dinh dưỡng có hại cho sức khỏe nên sử dụng hạn chế như: Chất béo bão hòa là loại chất béo có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và cholesterol cao hay chất béo chuyển hóa cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim…

Cách đọc bảng thông tin dinh dưỡng trên nhãn

Khuyến cáo người tiêu dùng về cách đọc bảng thông tin dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm, bà Vũ Thị Nhật Lệ lưu ý đến các thành phần quan trọng ghi trên nhãn thực phẩm như: Năng lượng, protein, chất béo, carbohydrate, chất xơ và natri.

Chẳng hạn, dựa vào thành phần năng lượng, protein ghi trên nhãn thực phẩm, người tiêu dùng có thể tính toán được lượng calo tiêu thụ, từ đó giúp kiểm soát vấn đề cân nặng.

Ngoài ra, nên quan tâm đến thành phần chất béo vì có lượng calo cao hơn các chất dinh dưỡng khác nên kiểm soát khẩu phần ăn. Riêng chất béo bão hòa có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim và cholesterol trong máu cao hơn. Vì vậy, dựa vào thành phần chất này được niêm yết trên nhãn sản phẩm, người tiêu dùng có thể lựa chọn thực phẩm ít chất béo bão hòa.

Còn đối với carbohydrate là thành phần tạo năng lượng, được tìm thấy trong tất cả các loại bánh mì, các sản phẩm ngũ cốc, đường và thực phẩm có đường. Dựa vào lượng carbohydrate trên nhãn mác, người tiêu dùng cũng có thể hạn chế được những thực phẩm có nhiều đường bổ sung và thay thế bằng các thành phần sinh năng lượng khác. Cùng với đó, người tiêu dùng cần xem trên nhãn mác thành phần chất xơ để lựa chọn thực phẩm giàu chất xơ sẽ giúp cải thiện tiêu hóa.

Mặt khác, thông số natri ghi trên nhãn mác cho biết sản phẩm chứa bao nhiêu muối để hạn chế nạp vào cơ thể. Đặc biệt, khi đọc nhãn sản phẩm, người tiêu dùng cần lưu ý đến các thông tin thành phần dị ứng, hạn sử dụng và các hướng dẫn về điều kiện bảo quản của thực phẩm…

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng cho rằng, thành phần dinh dưỡng trên nhãn sản phẩm là thông tin vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với người ăn kiêng hay đang trong quá trình trị liệu một căn bệnh nào đó thì lại càng không thể bỏ qua. Nhãn dinh dưỡng giúp cho mỗi người có thể tính toán, lựa chọn thực phẩm phù hợp, sử dụng với lượng vừa đủ để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể và giảm thiểu các nguy cơ gây ra các vấn đề sức khỏe.

Khi đã hiểu rõ cách đọc thành phần dinh dưỡng trên nhãn sản phẩm, mỗi người có thể quyết định có nên sử dụng hoặc loại trừ một số thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày và chủ động được chế độ dinh dưỡng phù hợp với bản thân.