Luận đàm thời sự

Khi Israel muốn giữ thể diện

Đại sứ Trần Đức Mậu 29/10/2024 - 07:29

Cứ theo truyền thông phương Tây thì Iran đã bị tổn hại nặng nề bởi các đợt không kích của Israel trong ngày 27-10 vừa qua.

Ảnh chụp từ vệ tinh tại khu vực này được sử dụng để chứng minh nhận định này, trong đó điều được đặc biệt nhấn mạnh là Israel đã không kích chính xác vào các cơ sở chế tạo tên lửa và nạp nhiên liệu cho tên lửa ở Iran; chưa khi nào kể từ trước đến nay, Israel tấn công Iran với quy mô lớn như vậy. Qua đó, giới truyền thông ở các nước phương Tây đề cao hiệu ứng cảnh báo và răn đe Iran từ chiến dịch quân sự này của Israel.

Những điều trên dường như trái ngược hoàn toàn với xác nhận chính thức của phía Iran. Theo phía Iran, tổn hại từ các đợt không kích của Israel chỉ ở mức độ hạn chế. Phản ứng của Iran, từ lãnh đạo cao cấp nhất đến thường dân, không dữ dội như đã từng một vài lần thể hiện. Đương nhiên là phía Iran cũng tuyên bố sẽ đáp trả, nhưng biểu hiện lại cho thấy họ hoàn toàn không gấp gáp với động thái này. Nếu phía Iran bị tổn hại nặng nề, hoặc nói theo cách khác nếu Israel đã đạt được kết quả không kích như giới truyền thông phương Tây loan tin thì chắc chắn phản ứng của Iran sẽ phải rất khác.

Cho nên có thể thấy mục đích chính của Israel với việc tiến hành các cuộc không kích mới đây nhằm vào Iran không phải để triệt hạ tiềm lực quân sự của Iran mà là để giữ thể diện cho chính Israel. Những lý do sau đây lý giải vì sao Israel bắt buộc phải không kích Iran nhưng lần này lại phải rất kiềm chế mức độ và nhiều danh, ít thực.

Thứ nhất, kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979, Iran và Israel coi nhau là kẻ thù không đội trời chung cho dù trước đấy từng có mối quan hệ rất thân thiết với nhau. "Ăn miếng, trả miếng" và "người sao, ta vậy" trở thành nguyên tắc chi phối cách hành xử của hai bên đối với nhau. Vòng xoáy đáp trả lẫn nhau đã hình thành từ đó. Bên không đáp trả tương xứng sẽ tự cảm thấy bị mất thể diện, thậm chí là bị coi thất thế so với phía bên kia. Sau khi bị Iran tấn công bằng hơn 200 tên lửa hành trình, phía Israel đã buộc phải tấn công Iran trong nhận thức đầy đủ rằng sau đó sẽ lại tiếp tục bị Iran đáp trả...

Thứ hai, cho dù phía Israel không chính thức công nhận, thực tế vẫn cho thấy, chiến dịch quân sự của Iran ngày 1-10 vừa qua đã gây tổn hại hết sức nặng nề cả về chính trị, tâm lý lẫn quân sự cho Israel. Điều này buộc Israel và các đồng minh quân sự phải nhận thấy là Iran có đủ năng lực quân sự trên thực tế để gây tổn hại nặng nề cho Israel mà chẳng có hệ thống phòng thủ nào ngăn chặn được. Vì thế, phía Israel không kích Iran để giữ thể diện nhưng đồng thời có chủ ý không kích động Iran có hành động trả đũa, cũng như không để kích hoạt vòng xoáy leo thang căng thẳng, từ đó tiếp tục có những hành động tấn công quân sự lẫn nhau.

Với lý do trên cùng với những áp lực chịu từ phía Mỹ thời gian này, Israel chưa dám không kích vào những cơ sở hạt nhân và công nghiệp dầu mỏ của Iran. Israel phải làm như vậy vì xác định đối địch Iran là chuyện hiện tại và lâu dài, trong khi ưu tiên hàng đầu và cấp thiết nhất là phải xóa sổ phong trào Hamas ở Dải Gaza và Hezbollah ở Lebanon.

Nguyên do thứ ba có liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, dự kiến diễn ra vào ngày 5-11 tới. Israel hành động trước ngày bầu cử nhằm tác động tới kết quả bầu cử như mong muốn. Cho nên có thể dự báo, việc Iran và Israel tấn công lẫn nhau có nhiều khả năng sẽ tạm dừng ở đây, nếu phía Iran không tấn công Israel thêm lần nữa. Cả Iran cũng chờ đợi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Nhưng nếu sau đấy hai bên lại không kích lẫn nhau thì mức độ sẽ quyết liệt hơn nhiều, chứ không còn kiềm chế như thời gian qua.