Chính trị

Tạo đột phá mới đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình:Bài 3: Nhận diện đúng thách thức để có đối sách phù hợp

Nhóm phóng viên 29/10/2024 - 06:38

Những thành tựu đổi mới đất nước là vô cùng to lớn và không thể phủ nhận nhưng có thể thẳng thắn nhận định, Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề nội tại như chậm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao và thiếu bền vững, năng suất lao động, hiệu quả đầu tư thấp… Và nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu tiếp tục tàn phá các nguồn lực phát triển.

Thách thức càng đè nặng trong bối cảnh thế giới đang "rung lắc" dữ dội bởi xung đột và những xu thế phát triển mới. Nhận diện đúng thách thức, chúng ta sẽ có những đối sách, chiến lược phù hợp để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

t3-kynguyen-vuonminh.jpg
Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Channel Well Technology Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh). Ảnh: Quang Thái

“Bẫy thu nhập trung bình” và "giặc nội xâm"

Từ nghèo nàn, Việt Nam đã vượt các nước có mức thu nhập trung bình thấp, hướng tới bảng xếp hạng thu nhập trung bình cao của thế giới. Có thể nói, công cuộc Đổi mới như một cuộc cách mạng với nhiều thành tựu to lớn, tạo tiền đề quan trọng đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới. Tuy nhiên, thách thức vẫn ở phía trước, nếu không muốn tụt hậu trong một thế giới không ngừng chuyển động, chúng ta phải giải quyết hàng loạt vấn đề nội tại đang đeo đẳng, kìm hãm nền kinh tế đất nước. Và, một vấn đề mà giới chuyên gia kinh tế đã cảnh báo với Việt Nam, đó là “bẫy thu nhập trung bình”.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Theo tính toán của giới chuyên gia, để đạt được mục tiêu này, trong 20 năm, kinh tế Việt Nam sẽ phải đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7%.

Ở thời điểm hiện tại Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng khá cao trên thế giới. Tuy nhiên, nhìn vào từng giai đoạn phát triển, có thể nhận thấy những dấu hiệu “hụt hơi” theo thời gian. Tốc độ tăng trưởng đang chậm lại của kinh tế nước nhà trong 5 năm qua mang đến không ít thách thức. Việc thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực càng khó khăn hơn bởi những bất cập nội tại của nền kinh tế.

Là một trong những quốc gia có tỷ lệ đầu tư trên tổng sản phẩm trong nước thuộc hàng cao nhất thế giới, nguồn vốn đầu tư có vai trò đặc biệt quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế nước nhà. Thế nhưng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước - đầu tư công luôn là vấn đề “nóng” trên nghị trường Quốc hội và nhiều phiên họp của Chính phủ. Bất cập không dừng lại ở tình trạng chậm giải ngân, đội vốn ở các công trình trọng điểm quốc gia, hay việc ào ạt đầu tư dẫn đến dàn trải, manh mún, mất cân đối ở các địa phương, mà còn là câu chuyện thất thoát, lãng phí làm gia tăng hệ lụy tiêu cực cho kinh tế - xã hội. Trong khi đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài - FDI chủ yếu tập trung vào lĩnh vực gia công mà ít hướng tới công nghệ cao, công nghệ nguồn, nhiều dự án tiêu tốn năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường đang hiện hữu và phát tác; tốc độ giải ngân cũng chưa tương xứng với yêu cầu. Năng lực đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam cũng là một thách thức.

Một trụ cột quan trọng của tăng trưởng kinh tế là năng suất lao động nhưng đây cũng là một lực cản khi chúng ta muốn tăng tốc trên con đường thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn 2 lần so với Philippines, 3 lần so với Thái Lan, 4 lần so với Trung Quốc, 7 lần so với Malaysia, 26 lần so với Singapore… Dù đã được cải thiện trong những năm gần đây, nhưng không để tụt hậu so với các nước trong khu vực và thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” thì tăng năng suất lao động vẫn là bài toán nan giải. Càng khó hơn khi lợi thế về nguồn lao động dồi dào và nhân công giá rẻ đang mất dần ưu thế, trong khi tiềm lực khoa học công nghệ và năng lực đổi mới sáng tạo của chúng ta chưa thể tạo ra những đột phá xoay chuyển tình thế.

Không chỉ “bẫy thu nhập trung bình”, đất nước còn phải đối mặt với hàng loạt “bẫy” như: “bẫy lao động giá rẻ”, “bẫy tăng trưởng thiếu bền vững”…, thách thức càng lớn hơn trong bối cảnh nạn tham nhũng, lãng phí tiếp tục tàn phá các nguồn lực phát triển.

Ở nhiều điểm nhìn có thể nhìn nhận, tăng trưởng kinh tế được kích thích bằng gia tăng đầu tư công và khai thác tài nguyên. “Đốt nóng” tăng trưởng làm cạn kiệt môi trường và tạo cơ hội cho tham nhũng, lãng phí bùng phát. Đầu tư công chính là mảnh đất màu mỡ của tham nhũng, hàng nghìn cán bộ bị xử lý kỷ luật, rơi vào vòng lao lý trong thời gian “đốt lò” vừa qua là một minh chứng xác thực. Và, thực tế cũng cho thấy, tham nhũng xảy ra trong mọi lĩnh vực, mọi khâu của đầu tư công từ quy hoạch, lập hồ sơ dự án đến phê duyệt thẩm định… Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới nhận định của giới chuyên gia kinh tế: Nguồn vốn đầu tư công rất lớn nhưng hiệu quả mang lại chưa tương xứng. Tham nhũng tồn tại dai dẳng trong lòng xã hội không chỉ làm cạn kiệt nguồn vốn đầu tư, kìm hãm nền kinh tế, làm chậm nhịp độ phát triển của đất nước, giảm uy tín, năng lực cạnh tranh quốc gia… mà còn đảo lộn luân thường đạo lý, tha hóa nhân cách con người, làm lệch chuẩn đội ngũ cán bộ, biến chất bộ máy công quyền... Qua đó gây rối loạn kỷ cương phép nước, xói mòn lòng tin của nhân dân, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Tham nhũng là “anh em sinh đôi” với lãng phí, tham nhũng là “lấy”, lãng phí là “phá”. Lãng phí len lỏi trong đời sống kinh tế - xã hội, từ sự vô trách nhiệm trong quản lý, sử dụng tài sản công, mua sắm chi tiêu kiểu “tiền chùa”, vô cảm, “cha chung không ai khóc” đến tình trạng tràn lan bằng cấp để “ngăn kéo”, những quy định nhiêu khê về thủ tục hành chính, gây phiền hà, hao phí tiền bạc của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Lãng phí ở nhiều điểm nhìn nguy hại hơn tham nhũng, bởi tiền bạc, tài sản mất mát hầu như không có cơ hội khắc phục.

Tham nhũng, lãng phí đều là “giặc nội xâm”. Trong bài viết “Chống lãng phí” mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thách thức từ một thế giới biến động

Thế giới đang chìm trong vòng xoáy “đa khủng hoảng” với những diễn biến phức tạp, khó lường, những chuyển động đa chiều đa hướng…, không chỉ làm thay đổi cục diện quốc tế mà còn tác động tiêu cực đến nhiều nền kinh tế. Hội nhập sâu trong một thế giới đầy biến động với độ mở của nền kinh tế ngày càng rộng, nhiều cơ hội mở ra nhưng Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức chưa từng có.

Các cuộc xung đột đẫm máu ở Trung Đông, căng thẳng Nga - Ukraine không chỉ thách thức các nỗ lực hòa bình vãn hồi chiến cuộc mà còn “lôi kéo” ngày càng nhiều quốc gia rơi vào “vực xoáy”. Những “thùng thuốc súng” của chủ nghĩa dân tộc cực đoan sẵn sàng phát nổ trên khắp tinh cầu. Lợi ích quốc gia chi phối quan hệ quốc tế làm "rung lắc" trật tự thế giới, xu hướng đa cực, đa trung tâm ngày càng rõ nét khi nhiều quốc gia “mới nổi” tham gia vào công việc quản trị toàn cầu. Cạnh tranh quyền lực đang chuyển mạnh sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi chứa chất lợi ích của không ít cường quốc, buộc nhiều quốc gia vào thế “phải chọn bên”.

Nhiều cường quốc đang điều chỉnh chính sách. Nước Mỹ củng cố vị trí siêu cường bằng việc thực thi nhiều giải pháp kinh tế cũng như triển khai các mô hình hợp tác mới với đồng minh, đối tác, đồng thời nỗ lực duy trì vị thế lãnh đạo về công nghệ đối với phần còn lại của thế giới. Trong khi Trung Quốc hướng tới một cường quốc hiện đại với việc thúc đẩy chiến lược “vòng tuần hoàn kép”, nâng cao năng lực tự chủ và gia tăng tầm ảnh hưởng lên các châu lục. Cuộc đối đầu giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới Mỹ - Trung Quốc ngày càng gay gắt trên nhiều lĩnh vực tác động mạnh mẽ đến nhiều nền kinh tế. Trong "rung chấn" của các cuộc khủng hoảng và cạnh tranh thương mại giữa những “siêu cường”, kinh tế thế giới dù tránh được nhiều cuộc suy thoái nhưng cũng phải chịu đựng không ít cú sốc như lạm phát, khủng hoảng ngân hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng, suy giảm sản xuất… và rơi vào tình trạng trì trệ.

Những năm gần đây, nhân loại đang phải đối mặt với các loại hình thảm họa thiên nhiên chưa từng có do biến đổi khí hậu và không một quốc gia riêng lẻ nào có thể đơn phương giải quyết. Những đòi hỏi về một thế giới bền vững đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Kinh tế xanh, năng lượng xanh, giảm lượng khí thải hiệu ứng nhà kính trở thành một xu thế toàn cầu. Những cam kết đột phá và chương trình hành động của nhiều cường quốc cũng như các tổ chức thương mại quốc tế đang hướng thế giới vào kỷ nguyên tăng trưởng xanh. Và điều này không dừng lại ở những tác động trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư trên bình diện toàn cầu. Chỉ riêng áp lực từ việc xây dựng những chuỗi giá trị không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đã là cả vấn đề với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam và cả những quốc gia phát triển.

Trong những chuyển động dữ dội của cuộc Cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo (AI) “bùng nổ”, mở ra một kỷ nguyên sáng tạo và thịnh vượng cho nhân loại. AI là cơ sở cho những đột phá về công nghệ trong nhiều lĩnh vực, thúc đẩy kinh tế số, quản trị thông minh… nhưng cũng mang đến không ít thách thức mới. Không chỉ dừng lại ở những tác động công nghệ như bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư hay thông tin sai lệnh mà AI còn làm gia tăng nguy cơ thất nghiệp và bất bình đẳng xã hội. Đây cũng là một thách thức lớn với Việt Nam trong những năm tới.

Nhận diện đúng thách thức, chúng ta sẽ có những đối sách phù hợp, đồng thời chủ động chiến lược, sách lược cũng như các hành động, giải pháp đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

(Còn nữa)