Nhận diện hạn chế, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội
Chiều 28-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển nhà ở xã hội
Trong phần thảo luận chiều, nhiều đại biểu nhận định cần nhận diện các nhóm hạn chế, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội để từ đó có các biện pháp tháo gỡ trong triển khai.
Kiến nghị cụ thể giải pháp, đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn Cà Mau) đề nghị giao Chính phủ xây dựng chính sách cụ thể về nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp.
Nhấn mạnh thủ tục hành chính là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, giá nhà ở cao một phần do thủ tục hành chính phức tạp làm tăng chi phí đầu vào, đại biểu đề nghị giảm tối đa thủ tục hành chính, bỏ một số thủ tục không cần thiết đối với nhà ở xã hội.
Đề cập việc giá đấu giá đất cao bất thường, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) nhận định, cần có chế tài xử lý nghiêm vi phạm trong vấn đề này nếu có. “Mặt khác, cần triển khai hiệu quả các kết luận của Đoàn Giám sát và Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt (Đoàn Hà Nội) cho hay, việc triển khai chính sách nhà ở cho cán bộ quân đội đang gặp rất nhiều khó khăn và chưa có quy định cụ thể để giải quyết vướng mắc. Do vậy, đại biểu đề xuất đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng; Quốc hội giao cho Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ quản quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư để triển khai dự án nhà ở xã hội cho quân đội.
Tuy nhiên, liên quan tới đề xuất này cũng có một số ý kiến khác nhau. Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho rằng, việc cấp quỹ đất cho lực lượng vũ trang nên đặt trong mối quan hệ với kinh tế thị trường, nghĩa là phải đấu thầu và chỉ ưu tiên trong trường hợp cần thiết, cụ thể.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định) tranh luận, việc giao đất phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang đã được Chính phủ trình đưa vào Luật Nhà ở trong kỳ họp thứ 5 của Quốc hội. Tuy nhiên, nội dung này chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đặc biệt là nhu cầu cụ thể về nhà ở của lực lượng vũ trang ở các địa phương, chưa thống nhất với chính sách đất đai từ trước tới nay, kể cả đối với Luật Đất đai mới được thông qua…
Tuy nhiên, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, việc đề xuất có giải pháp để các địa phương ưu tiên giao lại quỹ đất cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng triển khai các dự án nhà ở cho lực lượng vũ trang không mâu thuẫn với Luật Nhà ở (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua. Nên để hai Bộ Quốc phòng và Công an chủ trì triển khai sẽ đảm bảo tính hợp lý, còn lại sẽ phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cũng đồng tình, giao cho quân đội và công an làm chủ đầu tư, làm đơn vị chủ quản về xây dựng nhà ở xã hội cho lực lượng của mình là phù hợp.
Thành viên Chính phủ giải trình, làm rõ một số vấn đề
Cũng trong phiên thảo luận chiều nay, Quốc hội đã nghe các thành viên Chính phủ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Thông tin về tiếp cận tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trên thực tế, tín dụng vào lĩnh vực bất động sản cũng tăng rất nhanh, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung. Do vậy, các tổ chức tín dụng phải rất thận trọng khi cho vay mới, đặc biệt là khi các dự án bất động sản có kỳ hạn dài. Trong bối cảnh lãi suất quốc tế tăng rất cao, mặt bằng lãi suất của Việt Nam vẫn được kiểm soát, lãi suất cho vay mới giảm khoảng 3% từ đầu năm 2022 đến nay.
Báo cáo giám sát đã chỉ ra, thị trường bất động sản đang tồn tại sự mất cân đối, phân khúc nhà ở xã hội vẫn rất hạn chế. Trên thực tế, Chính phủ rất quyết liệt chỉ đạo các cơ quan tập trung phát triển nhà ở xã hội, kêu gọi xã hội hóa xóa nhà tạm, dột nát. Tuy nhiên, thực hiện được mục tiêu phát triển nhà ở xã hội phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lực tài chính của Nhà nước…
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, khi điều chỉnh bảng giá đất hiện hành, nếu các địa phương không xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ sẽ xảy ra trường hợp giá đất sau điều chỉnh có chênh lệch lớn so với giá đất trong bảng giá hiện hành.
Đặc biệt là tại các địa phương trong suốt giai đoạn 2021-2024 không điều chỉnh, nay giá đất chênh lệch lớn khiến người dân, doanh nghiệp phản ứng, vì số tiền người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính sẽ tăng cao.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình một số nội dung liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, trong thời gian tới. Trong đó, Bộ Xây dựng tập trung chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội, xác định phát triển nhà ở xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hằng năm của từng địa phương.
Đồng thời, ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn, các quy định pháp luật vừa được thông qua liên quan đến phát triển nhà ở xã hội; thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội tại các địa phương…
Đồng tình với ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng chỉ ra những tồn tại trong quản lý thị trường bất động sản, nhà ở xã hội, tình trạng mất cân đối cung cầu.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, theo Hiến pháp, không chỉ có đối tượng chính sách, mà toàn bộ người dân có quyền sử dụng nhà ở; công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang… đều cần được thụ hưởng chính sách, nên 1 triệu căn nhà ở xã hội vẫn là một phần nhỏ bé. Việc hoàn thiện các khâu điều tra, đánh giá nhu cầu đối với nhà ở xã hội, mở rộng các đối tượng thụ hưởng để mọi người dân đều tiếp cận được nhà ở xã hội là việc cần thiết.
Cùng với đó, cần triển khai cụ thể ở từng địa phương chiến lược, quy hoạch nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở đô thị, nhà ở thương mại.
“Chính phủ sẽ mở rộng, tạo quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, rà soát toàn bộ quỹ nhà tái định cư để chuyển sang nhà ở xã hội, đẩy mạnh cải cách, rút gọn, tinh giản quy trình thủ tục hành chính, mở rộng các đối tượng thụ hưởng, tăng khả năng tiếp cận nhà ở xã hội, phối hợp nhiều biện pháp để giữ giá nhà ở xã hội ở mức hợp lý”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.