Đề xuất nâng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan Quân đội
Chiều 28-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trình bày tờ trình, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở 3 chính sách và nội dung được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Đối với chính sách về chức vụ, chức danh của sĩ quan, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan.
Đối với chính sách về hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định tuổi phục vụ của sĩ quan tại ngũ và sĩ quan dự bị. Cụ thể đề xuất hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm: Cấp úy là 50 tuổi; Thiếu tá là 52 tuổi; Trung tá là 54 tuổi; Thượng tá là 56 tuổi; Đại tá là 58; Cấp Tướng là 60 tuổi. Khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ tại quy định trên.
Đối với chính sách về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan là cấp tướng, cấp tá, cấp úy. Đề nghị Quốc hội giao Chính phủ quy định cụ thể vị trí có bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới, đơn vị được tổ chức lại.
Đối với một số nội dung liên quan đến chế độ, chính sách của sĩ quan, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về tuổi của sĩ quan tại ngũ xét thăng quân hàm từ cấp bậc Đại tá lên Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân và về cấp có thẩm quyền quy định tiêu chí, tiêu chuẩn xét thăng quân hàm sĩ quan vượt bậc.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban nhất trí việc bổ sung chức vụ, chức danh đối với cấp phó của cấp trưởng và tương đương; đồng thời cho rằng, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam hiện hành quy định chức vụ cơ bản của sĩ quan là cấp trưởng, không quy định đối với cấp phó, nên việc xác định chức vụ, chức danh tương đương đối với cấp phó và sĩ quan không giữ chức vụ chỉ huy, quản lý gặp khó khăn, chưa bảo đảm hành lang pháp lý đầy đủ để thực hiện quy hoạch, bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm và thực hiện chế độ chính sách đối với sĩ quan được bổ nhiệm chức vụ là cấp phó của cấp trưởng và tương đương.
Ủy ban Quốc phòng - An ninh cơ bản nhất trí việc nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm cao nhất của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam các mức khác nhau, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu và thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của sĩ quan nữ cấp bậc quân hàm Đại tá để phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội, đảm bảo bình đẳng giới và tận dụng nguồn nhân lực nữ có trình độ, kinh nghiệm trong quân đội.
Ủy ban Quốc phòng - An ninh cơ bản nhất trí việc sửa đổi, bổ sung theo hướng giao Chính phủ quy định cụ thể vị trí có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới, đơn vị được tổ chức lại, bổ sung chức năng, nhiệm vụ nhưng không vượt quá số lượng tối đa vị trí cấp tướng theo quyết định của cấp có thẩm quyền.