Kinh tế

Động lực “xanh hóa” chuỗi cung ứng dệt may, da giày

Lam Giang 28/10/2024 - 15:18

Ngành dệt may đang phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2/năm, trong khi đó gần 100 doanh nghiệp dệt may, da giày phải kiểm kê khí nhà kính theo yêu cầu của Chính phủ.

28.10-td-1.jpg
Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: L.G

Ngày 28-10, tại Hà Nội, Tạp chí Công Thương tổ chức tọa đàm “Động lực “xanh hóa” chuỗi cung ứng dệt may, da giày”.

Chia sẻ tại tọa đàm Tiến sĩ Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương cho hay, chuỗi cung ứng dệt may, da giày Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt trên 44 tỷ USD và da giày đạt trên 28 tỷ USD. Năm 2023, do kinh tế toàn cầu suy giảm, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may, da giày có giảm nhẹ.

Sang năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của hai ngành này tăng trở lại và dự báo tăng trong những năm tiếp theo, tiếp tục đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, dệt may, da giày là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường lớn, do đó chuyển đổi xanh là yêu cầu bắt buộc nếu muốn tham gia sâu vào sân chơi toàn cầu.

Ông Lê Xuân Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) chỉ rõ thách thức của ngành dệt may từ sức ép sử dụng năng lượng hiệu quả, thu hồi, tái chế nhằm giảm tác động đến môi trường.

Cam kết của Chính phủ phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 đòi hỏi ngành dệt may phải có lộ trình thực hiện (hiện ngành đang phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2/năm). Gần 100 doanh nghiệp dệt may, da giày phải kiểm kê khí nhà kính theo công bố của Chính phủ.

may.jpg
Ngành dệt may đang đứng trước nhiều thách thức "xanh hóa". Ảnh: L.G

Cùng với đó, chi phí năng lượng, nhân công, nguyên vật liệu ngày càng tăng cao. Đây là thách thức song cũng là động lực. Muốn phát triển bền vững, muốn đi đường dài phải có lộ trình cắt giảm chi phí liên quan đến nguyên vật liệu, tài nguyên, nước và có những biện pháp để tái chế, tuần hoàn phù hợp với các tiêu chuẩn môi trường.

Các diễn giả tham gia tọa đàm có chung đánh giá, một trong những vướng mắc của ngành dệt may, da giày Việt Nam trong quá trình “xanh hóa” là thiếu tính liên kết theo chuỗi giá trị.

Trong khi đó, các FTA thế hệ mới, đặc biệt là CPTPP, EVFTA đặt ra yêu cầu về quy tắc xuất xứ, đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may, da giày phải tập trung phát triển bền vững toàn bộ chuỗi giá trị, từ nguyên phụ liệu đầu vào đến quá trình sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường.

Ngoài ra, ngành dệt may, da giày cần thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ tiên tiến, không gây tác động xấu đến môi trường; đồng thời kết nối với doanh nghiệp trong nước, hình thành chuỗi giá trị và chuyển giao giải pháp về khoa học - công nghệ nhằm "xanh hóa" ngành dệt may...