Lộ trình Ukraine gia nhập NATO: "Cánh cửa" ngày càng hẹp
Việc hàng loạt quốc gia lạnh nhạt trước ý tưởng mời Ukraine vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khiến niềm hy vọng của Kiev trong tìm kiếm đồng minh phòng thủ trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Có lẽ, việc viện vào giải pháp này như một lối thoát cho cuộc xung đột đang diễn ra là không thể...
Theo Politico, tới cuối tháng 10-2024, có ít nhất 7 thành viên NATO thể hiện thái độ “ngần ngại” trong việc mời Ukraine vào liên minh, trong đó có Bỉ, Hungary, Slovakia, Tây Ban Nha…
Trao đổi với đài truyền hình ZDF, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định, NATO không thể mời Ukraine - một quốc gia đang có chiến sự gia nhập tổ chức này. Nhà lãnh đạo Đức cũng tái khẳng định lập trường không thể để xung đột Nga - Ukraine leo thang thành cuộc chiến trực tiếp giữa NATO và Mátxcơva, đồng thời tiếp tục phản đối cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho Ukraine. Đây là bình luận công khai hiếm hoi của Thủ tướng Đức về nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine.
Đại sứ Mỹ tại NATO Julianne Smith mới đây cũng thông báo, NATO không có kế hoạch mời Ukraine gia nhập liên minh trong tương lai gần.
Những phản ứng nêu trên có phần trái ngược với tuyên bố trước đây của phương Tây, rằng "con đường không thể đảo ngược của Ukraine” là hội nhập toàn bộ với châu Âu - Đại Tây Dương, bao gồm cả tư cách thành viên NATO.
Như vậy, sau gần 2 năm kể từ khi Ukraine “gõ cửa”, NATO vẫn chưa có một tín hiệu rõ ràng về vấn đề này. Thông cáo của Hội nghị Thượng đỉnh Vilnius hồi năm ngoái tuyên bố rằng, Ukraine sẽ "gia nhập liên minh khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng".
Lời hứa mơ hồ này đã được nhắc lại trong năm nay tại cuộc họp đồng minh ở Washington (Mỹ) và chỉ được "nâng cấp" bằng câu chữ. Nguyện vọng của Ukraine chỉ nhận được ủng hộ từ một số đồng minh ở sườn phía Đông, như Ba Lan hay các nước Baltic, vốn cũng có tâm lý lo ngại Nga.
Những diễn biến trên khiến giới quan sát cho rằng, cơ hội để Ukraine gia nhập NATO ngày càng khép lại. Điều này càng rõ hơn trong bối cảnh Đức và Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất NATO và cũng là nhà cung cấp viện trợ quân sự hàng đầu cho Ukraine, không tỏ ý tán thành. Hơn nữa, cuộc bầu cử tới đây ở Mỹ cũng được dự báo sẽ đẩy Kiev ra xa NATO hơn, khi cả hai ứng cử viên Kamala Harris và Donald Trump đều chưa từng công khai ủng hộ ý tưởng đưa Ukraine vào liên minh.
Ở một kịch bản lạc quan hơn, ngay cả khi Kiev có thể tập hợp được sự ủng hộ của tất cả 32 thành viên NATO, việc gia nhập tổ chức này cũng sẽ phải đợi cho đến khi kết thúc cuộc chiến và con đường thực tế để trở thành thành viên cũng sẽ đầy trắc trở.
Việc gia nhập khối này không đồng nghĩa các thành viên NATO sẽ “đặt chân” lên Ukraine để bảo vệ đồng minh theo kịch bản lý thuyết. Bởi lẽ Điều 5 trong Hiến chương của NATO chỉ yêu cầu các đồng minh thực hiện "hành động mà (họ) cho là cần thiết" để bảo vệ an ninh tập thể, không bắt buộc một phản ứng quân sự toàn diện.
Trong khi đó, việc bảo toàn lãnh thổ của Kiev ngày càng trở nên khó khăn. Cục diện chiến trường lúc này cho thấy, Ukraine khó có thể kiểm soát lại tất cả các vùng lãnh thổ trong tương lai gần.
Phát biểu với Financial Times, cựu Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg từng đề xuất "giải pháp", nhấn mạnh liên minh chỉ có thể mở rộng đến các vùng lãnh thổ do Kiev nắm giữ. Nói cách khác, các khu vực mà Ukraine không kiểm soát trên thực tế sẽ bị bỏ lại bên ngoài các điều khoản của NATO về phòng thủ. Đây là thực tế mà Kiev khó lòng chấp nhận.
Tựu trung, dù đi theo lối nào, con đường tới NATO của Ukraine đều vô cùng bất ổn và tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sự ổn định địa chính trị trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, việc viện vào giải pháp này như một lối thoát cho xung đột là không thể. Thay vào đó, xuống thang chiến sự và tìm cách gỡ các "nút thắt" qua đàm phán và thỏa hiệp dường như vẫn là hướng tiếp cận khả thi nhất.