Xã hội

An sinh xã hội với bà con dân tộc ít người ở Hà Nội: Hiệu quả của truyền thông chính sách

Mai Hoa 28/10/2024 - 06:46

Thực tế cho thấy, đối với bà con dân tộc ít người, việc nắm bắt chính sách, pháp luật của Nhà nước về an sinh xã hội thông qua truyền thông, tư vấn trực tiếp có ý nghĩa thiết thực và hiệu quả.

Nhờ đó, bà con dân tộc ít người được nâng cao nhận thức, tư duy, chuyển thành hành động góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

an-sinh-xa-hoi.jpg
Hoạt động truyền thông, tư vấn chính sách pháp luật về an sinh xã hội trực tiếp, miễn phí tại xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì), ngày 25-10-2024. Ảnh: Thu Minh

Kinh nghiệm quý ở Khánh Thượng

Khánh Thượng là xã miền núi thuộc huyện Ba Vì có tới 52% dân số là đồng bào các dân tộc Mường, Dao. Ngày 25-10, một chương trình tư vấn chính sách, pháp luật miễn phí về an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc ít người được Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với UBND huyện Ba Vì, UBND xã Khánh Thượng tổ chức trên địa bàn xã. Chương trình góp phần giúp đồng bào dân tộc ít người nâng cao hiểu biết về quyền và lợi ích hợp pháp về những vấn đề liên quan đến bảo đảm an sinh xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Lắng nghe các luật sư, chuyên gia tư vấn, truyền thông chính sách, bà Nguyễn Thị Pha (thôn Gò Đình Muôn) chia sẻ: “Thông qua chương trình, tôi nắm được nhiều thông tin về chính sách an sinh xã hội hữu ích với gia đình. Đơn cử là một số chính sách đặc thù hỗ trợ sức khỏe sinh sản cho phụ nữ dân tộc ít người. Theo đó, phụ nữ là người dân tộc ít người hoặc phụ nữ là người Kinh có chồng là người dân tộc thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn, khi sinh con, có nhiều trường hợp sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/người...”.

Còn bà Đinh Thị Thúy Hoa (Chi hội Phụ nữ thôn Khánh Chúc Đồi) bày tỏ: “Ở thôn tôi, hầu hết bà con chưa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Việc được truyền thông, tư vấn trực tiếp giúp tôi nắm bắt được các nội dung thiết thực để tuyên truyền cho bà con trong thôn”.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, luật sư Nguyễn Ngọc Lan (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) đánh giá: “Qua thực tiễn công việc tại Khánh Thượng, có thể khẳng định công tác truyền thông, tư vấn trực tiếp thực sự là phương pháp đặc biệt hiệu quả. Các chuyên gia, luật sư được trực tiếp gặp gỡ, tìm hiểu thông tin thực tế, nắm bắt nhu cầu của bà con dân tộc, giải thích cụ thể từng tình huống thực tiễn. Quá trình trao đổi trực tiếp đạt hiệu quả ở nhiều khía cạnh: Thông tin nhanh, chính xác; giải quyết kịp thời vướng mắc; tạo niềm tin và xây dựng mối quan hệ tư vấn chặt chẽ, lâu dài giữa bà con dân tộc ít người với các chuyên gia, luật sư, các tổ chức hội”.

Xây dựng gia đình hạnh phúc, thúc đẩy phát triển kinh tế

Nhiều năm gắn bó công việc thực thi chính sách pháp luật về an sinh xã hội ở cơ sở, ông Phương Công Thạch, công chức Lao động - Thương binh và Xã hội xã Khánh Thượng cho biết: “Đảng, Nhà nước và Chính phủ có nhiều chính sách an sinh xã hội ưu việt dành cho bà con dân tộc ít người, trong đó không thể không kể đến chính sách hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng bảo hiểm y tế cho người dân tộc đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc ít người và miền núi". Thực tế cho thấy, thông qua hoạt động truyền thông, tư vấn, trên địa bàn xã Khánh Thượng, hơn 1.100 bà con dân tộc đã tham gia bảo hiểm y tế, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Còn Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng Đào Văn Tuyên khẳng định: “Công tác truyền thông, tư vấn chính sách pháp luật về an sinh xã hội đã giúp bà con dân tộc thiểu số nắm bắt và tiếp cận được các ưu đãi của Nhà nước, đặc biệt là tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ sinh kế từ Ngân hàng Chính sách xã hội, góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo trên địa bàn. Cuối năm 2023, Khánh Thượng còn 17 hộ nghèo và 22 hộ cận nghèo. Nhưng năm 2024, có 5 hộ đã được hỗ trợ xây nhà mới, 12 hộ được sửa nhà, hoàn thành trước ngày 30-9-2024. Hiện nay, Khánh Thượng không còn hộ nghèo”.

Là người nhiều năm gắn bó công tác xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng những vấn đề quyền của nữ công nhân lao động, người khuyết tật, thanh thiếu niên dân tộc ít người và bảo đảm an sinh xã hội cho những người yếu thế, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) Tạ Việt Anh chia sẻ, AFV muốn chung tay cùng các cơ quan quản lý, chuyên môn trong tuyên truyền, phổ biến chủ trương, của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Cùng với đó là triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc, thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội ở vùng đồng bào dân tộc ít người.

"Với nỗ lực của các bên, thời gian tới, tôi tin rằng sẽ có thêm nhiều chương trình tư vấn, truyền thông chính sách tương tự được tổ chức, nhằm giúp bà con dân tộc ít người nâng cao nhận thức, tư duy, từ đó góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương”, ông Tạ Việt Anh khẳng định.