Văn hóa

Tin tức đặc biệt trên báo in Hànộimới ngày 28-10-2024

Thư Ký 28/10/2024 06:00

Quản lý chặt, giám sát kỹ thị trường thương mại điện tử; Xóa bao cấp, đánh thức tiềm lực; An sinh xã hội với bà con dân tộc thiểu số ở Hà Nội: Hiệu quả của truyền thông chính sách; HĐND các quận, huyện, thị xã thành phố Hà Nội: Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình; Dân số trẻ… nhưng chi bộ già!... là những thông tin đáng chú ý trên Báo Hànộimới số ra ngày 28-10-2024.

Quản lý chặt, giám sát kỹ thị trường thương mại điện tử

huong-dan-cac-doanh-nghiep-tiep-can-he-thong-thuong-mai-dien-tu-giup-viec-ban-hang-nhanh-chong-va-thuan-tien..jpg
Hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận hệ thống thương mại điện tử giúp việc bán hàng nhanh chóng và thuận tiện.

Sự xuất hiện của nhiều sàn thương mại điện tử xuyên biên giới với giá bán hàng hóa rẻ đang tạo nên “cơn sốt”, thu hút nhiều người tiêu dùng Việt Nam. Bên cạnh những mặt tích cực, thực tế này đang tạo nhiều thách thức buộc các doanh nghiệp trong nước phải triệt để thay đổi cách tiếp cận, các cơ quan chức năng phải có giải pháp quản lý chặt, giám sát kỹ thị trường đầy tiềm năng này.

“Về cơ bản, doanh nghiệp cần tìm lối đi riêng, sản xuất sản phẩm mang tính đặc trưng, bản địa, với lợi thế riêng để thành công lâu dài”, Giám đốc điều hành Công ty Accesstrade Việt Nam Đỗ Hữu Hưng nhấn mạnh.
Trước việc thời gian gần đây, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, như: Temu, Shein, 1688… đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.

Loạt bài: Tạo đột phá mới đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình

Bài 2: Xóa bao cấp, đánh thức tiềm lực

so-che-thanh-long-xuat-khau-sang-thi-truong-chau-au-tai-tinh-binh-thuan..jpg
Sơ chế thanh long xuất khẩu sang thị trường châu Âu tại tỉnh Bình Thuận.

Nhìn thẳng vào sự thật, xác định đúng những vấn đề nội tại và sự chuyển hướng của xu thế thời đại, năm 1986, Đảng ta tiến hành công cuộc đổi mới. Đây là một quyết định lịch sử, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước. Với tinh thần “đổi mới hay là chết”, Việt Nam đã rũ bỏ bao cấp, kế hoạch hóa, “cởi trói” cho nền kinh tế. Nguồn lực sản xuất được “bung ra”, tiềm lực đất nước được “đánh thức”, từ một nước thiếu lương thực, kinh tế trì trệ, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, với một nền kinh tế năng động, có sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư. Từ công cuộc đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhận định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Trong bài viết “Một số vấn đề về lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm rõ định hướng này: "Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh".

Một quyết định bước ngoặt không thể không kể đến trong thời kỳ đổi mới này là chủ trương xã hội hóa. Tại Hội nghị Khoa giáo toàn quốc năm 1988, “xã hội hóa” được coi là phương hướng chiến lược để thực hiện đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI của Đảng. Chủ trương này tiếp tục được bổ sung và thể hiện rõ nét tại các văn kiện của Đảng trong giai đoạn tiếp theo, đồng thời được thể chế hóa qua “hành lang pháp lý” và những quy định của pháp luật.

An sinh xã hội với bà con dân tộc ít người ở Hà Nội: Hiệu quả của truyền thông chính sách

hoat-dong-truyen-thong-tu-van-chinh-sach-phap-luat-ve-an-sinh-xa-hoi-truc-tiep-mien-phi-tai-xa-khanh-thuong-huyen-ba-vi-ha-noi-ngay-25-10-2024.-anh-thu-minh.jpg
Hoạt động truyền thông, tư vấn chính sách pháp luật về an sinh xã hội trực tiếp, miễn phí tại xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội ngày 25-10-2024. Ảnh: Thu Minh

Thực tế cho thấy, đối với bà con dân tộc ít người, việc nắm bắt chính sách, pháp luật của Nhà nước về an sinh xã hội thông qua truyền thông, tư vấn trực tiếp có ý nghĩa thiết thực và hiệu quả. Nhờ đó, bà con dân tộc ít người được nâng cao nhận thức, tư duy, chuyển thành hành động góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng Đào Văn Tuyên khẳng định: “Công tác truyền thông, tư vấn chính sách pháp luật về an sinh xã hội đã giúp bà con dân tộc ít người nắm bắt và tiếp cận được các ưu đãi của Nhà nước, đặc biệt là tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ sinh kế từ Ngân hàng Chính sách xã hội, góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo trên địa bàn".

Là người nhiều năm gắn bó công tác xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng những vấn đề quyền của nữ công nhân lao động, người khuyết tật, thanh, thiếu niên dân tộc ít người và bảo đảm an sinh xã hội cho những người yếu thế, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) Tạ Việt Anh chia sẻ, AFV muốn chung tay cùng các cơ quan quản lý, chuyên môn trong tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

HĐND các quận, huyện, thị xã thành phố Hà Nội: Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình

hdnd-quan-thanh-xuan-tap-huan-ky-nang-cho-dai-bieu-ve-giam-sat-tham-tra-linh-vuc-kinh-te-ngan-sach-anh-vu-thuy.jpg
HĐND quận Thanh Xuân tập huấn kỹ năng cho đại biểu về giám sát, thẩm tra lĩnh vực kinh tế - ngân sách. Ảnh: Vũ Thủy

Chất vấn, giải trình là hoạt động giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử và trách nhiệm của các đại biểu dân cử với cử tri, đồng thời cũng xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền. Lan tỏa từ HĐND thành phố Hà Nội, thời gian qua, HĐND các quận, huyện, thị xã đã tích cực tổ chức các phiên chất vấn, giải trình và đúc kết được nhiều kinh nghiệm hay.

Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên cho biết, từ nay đến hết năm 2024, HĐND các cấp thành phố sẽ chủ động chuẩn bị nội dung các kỳ họp chuyên đề và kỳ họp thường lệ cuối năm.

Trong đó, HĐND các cấp tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động kỳ họp, chất vấn, giải trình, giám sát, đồng thời tập trung theo dõi, đôn đốc, tái giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát, chất vấn, giải trình, bảo đảm thực chất, hiệu quả.

Thí điểm sinh hoạt đảng ở khu chung cư, đô thị mới: Khẳng định vị thế trước "cơn lốc" đô thị hóa

Bài 4: Dân số trẻ… nhưng chi bộ già!

chi-bo-to-dan-pho-so-4-dang-bo-xa-tu-hiep-huyen-thanh-tri-to-chuc-ket-nap-dang-cho-dang-vien-moi..jpg
Chi bộ Tổ dân phố số 4 Đảng bộ xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì tổ chức kết nạp Đảng cho đảng viên mới.

Không thể phủ nhận vai trò, vị trí của chi bộ đảng ở các chung cư, khu đô thị mới, song thực tiễn cho thấy, hoạt động của tổ chức Đảng ở địa bàn đặc thù vẫn còn một số khó khăn, bất cập cần sớm được tháo gỡ. Đó là tình trạng dân số trẻ, nhưng đa phần đảng viên cao tuổi và được miễn sinh hoạt; thiếu địa điểm sinh hoạt khiến nhiều cấp ủy loay hoay giải quyết.

Qua khảo sát của phóng viên, nhiều chi bộ đảng ở chung cư kiến nghị có điểm sinh hoạt cố định để thuận tiện cho các đảng viên sinh hoạt hằng tháng; đối với những “siêu chi bộ” cần có cơ chế, chế độ phụ cấp cho các tổ trưởng tổ đảng…

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Long Biên Ngô Mạnh Điềm cho rằng, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến quán triệt quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó chú trọng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến phù hợp với đặc thù của từng loại hình chung cư trên địa bàn; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành, thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn.