Hà Nội kết nối

Nguy cơ ngập lụt vẫn hiện hữu tại Thừa Thiên - Huế dù bão số 6 đã suy yếu

Nhóm phóng viên 27/10/2024 18:31

Chiều 27-10, báo số 6 (bão Trami) đã suy yếu sau khi đổ bộ vào đất liền tại vị trí giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, mưa lớn vẫn tiếp tục, nguy cơ gây lũ lụt.

a613.jpg
Du khách vào thăm Hoàng thành Huế từ chiều 27-10. Ảnh: Tâm Anh

Từ 15h ngày 27-10, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế bỏ lệnh cấm người dân ra đường đã được ban hành từ 7h sáng cùng ngày, nhằm giảm tối đa thiệt hại về người khi bão số 6 bắt đầu đi vào đất liền. Các điểm di tích cố đô Huế cũng đã được mở cửa, đón du khách trở lại.

Tính đến chiều 27-10, tỉnh Thừa Thiên - Huế ghi nhận có 2 người tử vong trong bão số 6. Người thứ nhất sinh năm 1972, trú tại phường Đông Ba, thành phố Huế. Lúc 13h ngày 27-10, nạn nhân đi xe máy trên quốc lộ 49 đoạn qua huyện Quảng Điền. Khi đến xã Hương Phong, người này không may bị nước cuốn. Lực lượng chức năng đã tìm được thi thể nạn nhân sau 2 giờ tìm kiếm. Người thứ hai cũng là nam giới, sinh năm1980, được tìm thấy đã tử vong tại một đầm nước gần nhà ở xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc.

a612(1).jpg
Nước biển dâng cao, sóng mạnh đã đánh sập một số đoạn kè dọc bờ biển, đoạn qua đập Hòa Duân, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Tâm Anh

Đáng chú ý, toàn tỉnh đã và đang có mưa lớn, nguy cơ gây ngập úng những địa bàn trũng thấp; sạt lở vùng núi. Theo bản tin dự báo thời tiết do Trung tâm Dự báo Khí tượng, Thủy văn tỉnh Thừa Thiên - Huế phát lúc 15h30 ngày 27-10, trong 24 giờ qua, tại Thừa Thiên - Huế có mưa rất to, có nơi mưa đặc biệt to, lượng mưa phổ biến 130-400mm, một số nơi cao hơn: Bạch Mã 463.8mm, đỉnh Bạch Mã 556.8mm.

Dự báo từ chiều tối 27 đến 29-10, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa to, mưa rất to. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-250mm, có nơi trên 350mm. Mưa lớn có khả năng gây ra lũ, lũ lụt, lũ quét và sạt lở, trượt lở đất đá ở vùng đồi núi và ven các sông suối nhỏ tại các huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Trà...

a701.jpg
Cầu Đập Đá tại thành phố Huế bắc qua sông Hương ngập trong nước. Ảnh: Tâm Anh

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin, để ứng phó với tình hình trên, nhiều địa phương vùng trũng thấp của tỉnh đã và đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt bảo vệ người, tài sản trước nguy cơ mưa lũ. Cụ thể, lực lượng chức năng huyện Phú Vang đã chủ động phương án di dời 909 hộ, 2819 khẩu. Trong đó, di dời từ nhà dân không an toàn đến nhà dân an toàn 710 hộ, 2.250 khẩu; di dời người dân vào các trụ sở cơ quan, trường học 199 hộ, 599 khẩu.

Huyện Quảng Điền cũng chủ động các phương án ứng phó, di dời 49 hộ ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; kêu gọi tất cả tàu, thuyền vào nơi tránh, trú bão an toàn. Tại huyện Nam Đông, hiện nay đang có mưa lớn, địa phương đã sơ tán 5 hộ, 35 khẩu ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Huyện A lưới cũng bố trí các tổ ứng phó nhanh tại các địa phương; chủ động phương án nếu có sạt lở xảy ra để bảo đảm lưu thông; đồng thời lên sẵn phương án di dời dân…

a614.jpg
Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế kiểm tra thực địa các vùng trũng thấp. Nguồn: Công an tỉnh cung cấp

Tại thị xã Hương Thủy, mọi phương án ứng phó bão, lũ đã sẵn sàng. Thị xã dự trữ 50 tấn gạo, 200 thùng mì tôm, 500 lít xăng, dầu. Riêng tại các phường, xã dự trữ thêm 705 tấn gạo, 1.650 thùng mì tôm và 2.150 lít xăng, dầu… Thị xã huy động hơn 558 áo phao, 380 phao tròn, hàng trăm phao bè, nhà bạt, ca nô, xe múc…, đồng thời huy động lực lượng xung kích các xã, phường với gần 1.000 người sẵn sàng giúp dân khi có tình huống xảy ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương đã yêu cầu chính quyền các cấp và cơ quan hữu quan không chủ quan, bởi bão số 6 vẫn có khả năng hình thành áp thấp hoặc cơn bão mới.

a616.jpg
Đoạn bờ biển dài khoảng 300m ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang bị sóng lớn trong bão đánh vỡ. Ảnh: Thanh Hiền

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, trên địa bàn hiện có thể không xảy ra lũ lớn, song cần sẵn sàng các phương án ứng cứu, bảo đảm thông tin liên lạc, kịp thời hỗ trợ người dân. Ngoài ra, cần cảnh báo cho người dân ở những vùng có nguy hiểm cao; triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.