Hà Nội kết nối

Huế và Đà Nẵng căng mình chống bão số 6

Nhóm phóng viên 27/10/2024 12:30

Thông tin cập nhật cho thấy bão Trami (Bão số 6) đã đổ bộ vào khu vực Huế và Đà Nẵng từ trưa 27-10. Chính quyền và nhân dân các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp khẩn trương chống bão.

a598.jpg
Mưa lớn trút xuống thành phố Huế từ sáng sớm 27-10. Ảnh: Ngô Lễ.

Những thiệt hại đầu tiên

Từ 10h, mưa to, gió lớn quần thảo dữ dội hơn tại nhiều địa phương của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Gần cửa vào phía Bắc hầm đèo Hải Vân thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, gió lớn đã làm lật 1 xe tải trên đường dẫn; trên đèo có nhiều điểm sạt lở nên cơ quan chức năng đã đóng cả hầm và đường đèo, không cho người và phương tiện qua lại để bảo đảm an toàn.

Ở phía Nam đèo Hải Vân, cán bộ, chiến sĩ Trạm Cảnh sát Giao thông Hòa Hiệp (Công an thành phố Đà Nẵng) đã tăng cường lực lượng phối hợp với Công ty quản lý hầm Hải Vân tạm ngưng các phương tiện qua hầm; đường đèo ra phía Bắc cũng tạm đóng.

Trung tá Đặng Ngọc Thắng (CSGT Công an thành phố Đà Nẵng) cho biết, lực lượng chức năng đã tổ chức phân luồng từ xa để các phương tiện đi trên cao tốc La Sơn - Hòa Liên không qua đèo và hầm Hải Vân.

a596.jpg
Hầm Hải Vân đã thông trở lại từ 10h30 ngày 27-10. Nguồn: CSGT.

Đến 10h30, lực lượng chức năng đã cho thông hầm trở lại sau hơn 3 tiếng đồng hồ tạm đóng. Riêng đường bộ qua đèo Hải Vân vẫn tạm đóng do trời mưa rất to, một số cây gãy ngã, gây ách tắc giao thông. Đây cũng là thời điểm tâm bão số 6 được cho là đã đi vào đất liền trên khu vực đèo Hải Vân.

Hiện gió trên đất liền tại khu vực Đà Nẵng trở vào Nam đang giảm dần. Như vậy, thời gian gió mạnh của bão đang kết thúc sớm hơn dự kiến. Tuy nhiên, dự báo mưa lớn sẽ tiếp tục đổ xuống khu vực này.

a597.jpg
Đường bộ lên đèo Hải Vân vẫn tạm đóng. Nguồn: CSGT.

Trong nội đô thành phố Huế và thành phố Đà Nẵng, mưa to, gió lớn cũng đã gây những thiệt hại đầu tiên. Tại thành phố Huế, lượng mưa phổ biến lên đến hơn 280mm. Dự báo mưa lớn còn kéo dài đến ngày 29-10.

Tính đến 11h ngày 27-10, tỉnh Thừa Thiên - Huế chưa ghi nhận thiệt hại về người do bão số 6. Tuy nhiên, trong sáng nay, sóng biển đã tràn qua đoạn đê đắp tạm dài gần 1km do bãi biển bị xói lở tại bãi tắm Phú Thuận, huyện Phú Vang, nguy cơ trôi, sạt lở đất và hư hỏng tuyến đường dọc biển, nhất là đoạn xã Phú Thuận. Nước biển cũng đã bắt đầu tràn qua đập Hòa Duân. Nhiều địa phương ven biển tạm thời bị cắt điện.

a599.jpg
Cây đổ trong bão số 6 tại thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Xuân Huy.

Tại thành phố Đà Nẵng, mưa to gió lớn xuất hiện trên địa bàn từ sáng 27-10. Một số nơi có cây đổ, ngập cục bộ. UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành công điện khẩn, yêu cầu người dân hạn chế ra khỏi nhà từ 10h ngày 27-10, trừ lực lượng chức năng phòng, chống bão. Hiện thành phố Đà Nẵng chưa ghi nhận thiệt hại về người trong bão số 6.

Triển khai nhiều biện pháp phòng, chống bão

Để nhanh chóng hỗ trợ người dân trong mưa bão, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thiết lập đường dây nóng và kênh thông tin liên lạc trên nhiều nền tảng. Đơn cử, trong các trường hợp khẩn cấp, khả năng có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng… cần các lực lượng ứng cứu, người dân gọi điện đến tổng đài Hue-S 19001075 hoặc sử dụng chức năng SOS trong nhóm chức năng “Thời tiết thiên tai” trên nền tảng Hue-S.

a592.jpg
Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế sẵn sàng ứng cứu người dân trong bão số 6. Ảnh: Phong Anh.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bố trí người và phương tiện ứng trực, sẵn sàng hỗ trợ người dân phòng, chống bão an toàn. Thiếu tá Trần Hữu Thúy, Tiểu đội trưởng Tiểu đội vận tải thủy, Phòng Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu, tàu thuyền, sẵn sàng làm nhiệm vụ ứng cứu.

Cũng theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã sẵn sàng huy động quân số khoảng 750 cán bộ, chiến sĩ; hơn 7.700 dân quân tự vệ; hơn 15.000 dự bị động viên cùng lực lượng tự vệ cơ quan, đơn vị, công ty, xí nghiệp để ứng phó với bão số 6. Công an tỉnh bố trí 2.000 cán bộ, chiến sĩ, 50 ca nô, 60 xuồng, 24 xe chữa cháy, 57 cưa máy, 141 máy nổ, 2.000 áo phao và các dụng cụ, thiết bị khác sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống do thiên tai.

a593.jpg
Lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên - Huế gia cố các điểm bờ biển sạt lở. Ảnh: Phong Anh.

Còn tại Đà Nẵng, UBND thành phố đã quyết định thành lập Ban Chỉ huy tiền phương thành phố Đà Nẵng ứng phó với bão số 6 và mưa lớn do bão gây ra (viết tắt là Ban Chỉ huy), gồm: Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh làm Trưởng ban; các Phó Trưởng ban: Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Phó Trưởng ban Thường trực); Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố; Giám đốc Công an thành phố; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố cùng đại diện nhiều sở, ban, ngành.

Ban Chỉ huy làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; Chỉ huy phòng, chống, ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ do bão số 6-2024 và mưa lũ do bão số 6 năm 2024 gây ra trên địa bàn thành phố.

a600.jpg
UBND phường Mân Thái, quận Sơn Trà thành phố Đà Nẵng đã chuẩn bị điểm sơ tán người dân nếu mưa bão diễn biến phức tạp. Ảnh: Xuân Huy.

Theo dự báo, bão số 6 sau khi đổ bộ vào đất liền sẽ quay ra biển và có khả năng hình thành áp thấp hoặc cơn bão mới. Vì vậy, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung xác định không chủ quan, sẵn sàng các phương án ứng phó khi thời tiết diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới.