Sách

Viết từ cội nguồn

Bùi Việt Phương 27/10/2024 - 12:08

Nhà thơ Đinh Đăng Lượng sinh năm 1947, lớn lên ở xứ Mường, ngoại trừ mấy năm học Đại học Bách khoa Hà Nội còn đều sớm sớm đến nhà máy, công trường, chiều chiều lại trở về mái nhà đã có từ thời cha mẹ, ông bà.

Trong mái nhà ấy có chiếc giường bao năm quay đầu một hướng, sông Đà mênh mang, núi Tản mờ xa, dãy Viên Nam sừng sững như căn cốt, tất cả là điểm tựa để ông viết những tập: “Người ở đầu nguồn” (NXB Hội Nhà văn), “Bóng cây chu đồng” (NXB Văn hóa dân tộc), “Cánh bông giàn mải miết” (NXB Văn hóa dân tộc), “Bốn Mường” (NXB Hội Nhà văn)... tập nào cũng vậy, từ cái tên đã toát lên một sự tự tôn, coi bản sắc văn hóa là kim chỉ nam để nghĩ tiếp và viết tiếp. Và, năm nay tập thơ “Từ miền sử thi” (NXB Văn học) là ấn phẩm mới nhất trước lúc thi sĩ bước vào tuổi bát tuần.

Thật may mắn, khi sách còn ở dạng bản thảo tôi đã được ngồi thưởng trà cùng ông. Con người khi gặp nhau có nhiều điều vui để đàm đạo nhưng có lẽ giữa những người làm thơ còn là cái duyên đặc biệt. Người đến với người, thơ tương giao với thơ để thấu hiểu hơn một Đinh Đăng Lượng đi - nghĩ - đọc - viết. Bốn nguyên tắc đó cũng là phương châm sống của ông, là cảnh giới và thử thách của người đàn ông đa cảm này.

Tên tập thơ là thế nhưng hóa ra chứa đựng ba phần rất thú vị: “Miền sử thi”, “Dáng mẹ” và “Một nẻo lục địa già”. Nếu như ở phần “Một nẻo lục địa già” đã rõ ràng với những bài thơ viết về châu Âu thì ở “Miền sử thi” ông viết bằng cảm hứng được gợi từ những tục lệ, quy tắc, tích truyện một thời đã được thời gian ngưng kết trở thành bản sắc: “Trốn nhà lang phạt vạ - đi thật xa/ Nghe cuốc kêu biết là có nước/ Tiếng hoẵng tác biết còn lắm đất/ Có Mường Chậm - Lũng Vân lẩn khẩn trong mây” (“Vân Sơn”); “Bà con tôi - họ Quách họ Bùi/ Quần tụ nhau thành Mường, nên bản/ Họ mạc quen chợ phiên Vụ Bản/ Đường mở rồi theo bạn chợ Bo” (“Trên đình Đồi Thung”); “Mộc mạc thân thương cây rơm gốc rạ/ Bát cơm miếng cá nuôi người/ Tóc trắng mây trời vẫn mơ Thường Rang, Bộ Mẹng” (“Tiếng Mường”). Thơ Đinh Đăng Lượng là sự diễn giải quá trình hình thành đất, Mường, phong tục, tập quán. Mới đọc thấy nó đơn giản, hiển nhiên nhưng nếu tìm hiểu mới thấy hết ý nghĩa của sự khởi phát từ “miền sử thi” như thế.

Ở phần “Dáng mẹ” là cảm hứng về mẹ, về cội nguồn sinh thành được gợi qua hệ thống các nhan đề như “Thăm đền mẫu Âu Cơ”, “Làng Việt trên đảo”, “Dáng mẹ”, “Khúc tâm tình Yên Thủy”, “Ngày đông bên dòng sông quê”... Đinh Đăng Lượng nhìn mỗi vùng đất ông đi qua mà ngẫm từ gốc gác, viết từ sâu lắng suy tư: “Cây đa đình làng - người khai mở/ Mãi bốn mùa nghi ngút khói nhang/ Những ngôi nhà cũ càng thờ họ/ Thắng giặc Nguyên Mông - ngày hội làng” (“Làng Việt trên đảo”). Cả một trang sử được nhà thơ điểm lại trong một khổ thơ khiến người đọc như được trở về với nhiều thế kỷ trước, sống lại không khí của một ngày xa xưa.

Tập thơ “Từ miền sử thi” kết lại bằng 12 bài thơ của phần “Một nẻo lục địa già” mà ông viết sau chuyến du ngoạn châu Âu. Ông có cảm hứng đặc biệt với học giả M.Colani - người đã đặt tên nền “văn hóa Hòa Bình”, với sự trân trọng: “Hai mươi năm điền dã Bắc, Trung, Nam/ Cánh Đồng Chum, nước bạn Lào xa ngái/ Hang Xóm Trại, Mái đá làng Vành bà trèo non, lội suối/ Di chỉ Văn hóa Hòa Bình còn với muôn sau” (“Đến Pari nhớ bà Cô la ni”).

Thơ Đinh Đăng Lượng khởi phát từ cội nguồn, giao thoa với các vùng đất - con người và lại trở về làm dày dặn, sung túc thêm cho vốn văn hóa, thi ca của mình. Với 56 bài thơ, tập “Từ miền sử thi” là một “cột mốc” đánh dấu chặng đường sáng tác của nhà thơ Đinh Đăng Lượng. Có lẽ với sức vóc ấy, ông sẽ còn đi - nghĩ - đọc - viết thêm nhiều tác phẩm mang đến cho bạn đọc những cảm xúc mới.