Israel tấn công trả đũa Iran: Trung Đông đối mặt với cuộc chiến tranh toàn diện
Israel đã không kích Iran sáng 26-10, trả đũa đối với loạt tên lửa đạn đạo mà Tehran phóng vào Tel Aviv hồi đầu tháng này. Cuộc tấn công làm dấy lên lo ngại rằng, đối đầu trực tiếp giữa hai lực lượng quân sự hùng mạnh có thể đẩy khu vực Trung Đông đến gần một cuộc chiến tranh toàn diện.
Israel đã sử dụng hơn 100 máy bay trong cuộc không kích vào Iran sáng 26-10. Hãng thông tấn Fars của Iran đưa tin, một số căn cứ quân sự đã bị Israel tấn công. Một quan chức Israel giấu tên cho biết: "Chúng tôi đang nhắm vào những cơ sở từng đe dọa chúng tôi trong quá khứ hoặc có thể gây ra trong tương lai".
Hồi đầu tháng, các quan chức Israel cam kết với Mỹ rằng, cuộc tấn công nhằm vào Iran chỉ giới hạn ở các mục tiêu quân sự, không hướng tới các cơ sở dầu mỏ hay hạt nhân.
Giới chức Iran cũng xác nhận không có vụ nổ hay đám cháy nào xảy ra tại nhà máy lọc dầu lớn ở thủ đô Tehran. Kênh truyền hình Al Jazeera dẫn lời các quan chức Iran cho biết, chưa ghi nhận thương vong trong đợt tập kích đầu tiên của Israel, các cơ sở quân sự cũng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong một tuyên bố chính thức trên truyền hình, Người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel Daniel Harari khẳng định, không quân nước này đã hoàn thành đòn tấn công trả đũa vào Iran. Toàn bộ chiến đấu cơ tham gia chiến dịch đã trở về an toàn.
Ông Daniel Harari đồng thời cảnh báo, Lực lượng Phòng vệ Israel sẽ mở thêm các cuộc tấn công mới nếu Iran tiếp tục có hành vi gây hấn: "Nếu Iran phạm sai lầm khi bắt đầu một vòng leo thang mới, chúng tôi sẽ có nghĩa vụ phải đáp trả. Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng: Tất cả những ai đe dọa Nhà nước Israel và tìm cách kéo khu vực vào một cuộc leo thang rộng lớn hơn sẽ phải trả giá đắt".
Trong khi đó, Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Sean Savett cho biết: “Mỹ không tham gia vào hoạt động này. Mục tiêu của chúng tôi là đẩy nhanh tiến trình ngoại giao và giảm căng thẳng ở khu vực Trung Đông. Chúng tôi kêu gọi Iran ngừng các cuộc tấn công vào Israel để chiến dịch quân sự có thể kết thúc mà không có thêm sự leo thang nào”. Washington tin rằng chiến dịch này sẽ đặt dấu chấm hết cho cuộc giao tranh quân sự trực tiếp giữa Israel và Iran.
Israel và Iran không có chung biên giới, xung đột "ngầm" giữa hai nước đã diễn ra nhiều năm thông qua các lực lượng ủy nhiệm. Hai phong trào Hồi giáo Hamas và Hezbollah đều được Tehran hậu thuẫn, đang tiến hành cuộc chiến tranh trên bộ với Israel.
Ngày 21-10, Mỹ đã triển khai hệ thống chống tên lửa tiên tiến THAAD tới Israel cùng với 100 binh sĩ. Tuy nhiên, thời điểm đó Tel Aviv vẫn chưa đưa những phản ứng mạnh mẽ hơn với Tehran. Sự chậm trễ này phản ánh các cân nhắc chiến lược làm nền tảng cho cách tiếp cận của Israel trong bối cảnh bất ổn của khu vực. Mặt khác, Israel muốn thu thập thông tin tình báo và lập kế hoạch tác chiến một cách hoàn hảo. Sự kiên nhẫn trong chiến lược có thể dẫn đến một cuộc trả đũa hiệu quả hơn, đạt được các mục tiêu mà không gây ra thiệt hại không cần thiết.
Có thể dự đoán rằng, nếu mức độ tàn phá càng lớn thì phản ứng từ Iran sẽ càng mạnh mẽ. Israel đã nói với các đồng minh phương Tây rằng, Tel Aviv sẽ không nhắm vào các cơ sở dầu mỏ hoặc hạt nhân của Iran với hy vọng ngăn chặn sự leo thang thực sự. Tuy nhiên, xung đột leo thang tới đâu còn phụ thuộc vào phản ứng của Iran sau khi chiến dịch quân sự của Israel kết thúc.
Chiều cùng ngày, chính quyền Iran vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức dù truyền thông nhà nước đưa tin thiệt hại hạn chế và không có thương vong trong cuộc không kích này. Đây có thể là tín hiệu ẩn ý cho thấy Iran đang tìm kiếm một cái cớ để tránh leo thang thêm. Nhưng nếu phản ứng cuối cùng của Iran lớn hơn 181 tên lửa đạn đạo phóng vào Israel vào ngày 1-10, thì đó có lẽ là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy khu vực này đang hướng đến một cuộc chiến tranh toàn diện.
Có thể thấy, cuộc trả đũa theo kế hoạch của Israel đối với Iran là một "canh bạc" có rủi ro cao với hậu quả có thể sẽ rất tàn khốc. Mong muốn vô hiệu hóa các mối đe dọa là điều dễ hiểu, nhưng con đường phía trước phải được điều hướng một cách thận trọng và có tầm nhìn xa. Các nhà phân tích quốc tế cho rằng, một cách tiếp cận cân bằng ưu tiên sự tham gia ngoại giao cùng với sự răn đe đáng tin cậy giữa hai bên mới có thể mang lại hy vọng tốt nhất cho sự ổn định lâu dài trong khu vực Trung Đông.