Bão số 6 di chuyển nhanh, tiến sát miền Trung, gây ra đợt mưa lớn
Bão số 6 hiện cách đất liền các tỉnh Trung Bộ khoảng hơn 300km về phía Đông, gây mưa lớn ở các tỉnh miền Trung, cảnh báo tình trạng ngập úng, lũ quét và trượt lở đất.
Chia sẻ với báo chí chiều 26-10, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện nay, bão số 6 đang ở khu vực Bắc của đảo Hoàng Sa, cách đất liền các tỉnh Trung Bộ khoảng hơn 300km về phía Đông. Cường độ hiện tại của bão số 6 khoảng cấp 11, giật cấp 13, cấp 14. Bão số 6 đã gây ra gió mạnh ở khu vực đảo Lý Sơn với cường độ mạnh cấp 6, giật trên cấp 6.
“Từ thời điểm này trở đi thì bão số 6 sẽ gây ra gió mạnh cấp 6, cấp 7 cho hầu khắp khu vực miền Trung Bộ, cùng với sự dịch chuyển gần vào của bão số 6, gió ở khu vực đảo Lý Sơn cũng là khu vực biển Trung Bộ sẽ mạnh dần lên cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12”, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết.
Ông Nguyễn Văn Hưởng nhận định, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ chiều 26-10, khu vực ven biển và đất liền của các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi bắt đầu có mưa, mưa rào và dông và từ thời điểm này trở đi thì khu vực Trung Bộ đợt mưa lớn.
“Mưa trong hoàn lưu bão với tần suất lớn, lượng mưa trong 3 tiếng có thể lên tới trên 100mm, trong 6 đến 12 tiếng, có thể trên 200mm. Đợt mưa lớn lớn kéo dài này có thể gây ra tình trạng ngập úng đô thị cũng như nguy cơ lũ quét và trượt lở đất ở khu vực Trung Bộ”, ông Nguyễn Văn Hưởng lưu ý.
Về tình hình gió mạnh trên đất liền, khoảng từ gần sáng và ngày 27-10, khu vực từ Quảng Trị trở vào đến Quảng Nam có gió ven biển mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9, thời gian gió mạnh nhất có khả năng xuất hiện từ sáng đến chiều 27-10.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 16h ngày 26-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 111,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa, cách Đà Nẵng khoảng 370 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103 - 117 km/h), giật cấp 14. Di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20 km/h.
Đến 16h ngày 27-10, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 15 km/h, vị trí bão tại 16,3N-108,4E; trên vùng biển ven bờ các tỉnh Trung Trung Bộ, cường độ bão mạnh cấp 9, giật cấp 11, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3, phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực đảo Hoàng Sa), vùng biển Trung Trung Bộ; đất liền ven biển khu vực Quảng Trị - Quảng Nam là khu vực chịu ảnh hưởng.
Khoảng 16h ngày 28-10, bão di chuyển theo hướng Nam Đông Nam sau đó chuyển Đông, tốc độ khoảng 5 km/h, vị trí bão tại 15,8N-109,3E; trên vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ. Cường độ bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3, phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực phía Tây đảo Hoàng Sa), vùng biển Trung Trung Bộ; đất liền ven biển khu vực Quảng Trị - Quảng Nam là khu vực chịu ảnh hưởng.
Đến 16h ngày 29-10, bão di chuyển theo hướng Đông, tốc độ 5 - 10 km/h, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, vị trí bão tại 15,7N-110,7E; cách đảo Hoàng Sa khoảng 130 km về phía Tây Tây Nam. Cường độ bão mạnh cấp 7, giật cấp 9, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3, phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực phía Tây đảo Hoàng Sa), vùng biển Trung Trung Bộ là khu vực chịu ảnh hưởng.
Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Đông mỗi giờ đi được 5 - 10 km, cường độ tiếp tục suy yếu thêm.
Các chuyên gia lưu ý, diễn biến bão số 6 còn rất phức tạp và có thể có thay đổi nên cần theo dõi chặt chẽ, không thể chủ quan.