Kinh tế

Hà Nội liên kết, xây dựng mạng lưới sản xuất xanh và bền vững

Thanh Hiền 26/10/2024 - 17:57

Sáng 25-10, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội (HPA) tổ chức hội nghị “Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc - Xúc tiến đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển bền vững trong nền kinh tế số”.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch “Kết nối cùng phát triển - Link to grow” giữa Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc 2024.

Hà Nội thu hút chuyển đổi sản xuất xanh

Ông Nguyễn Trần Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội cho biết, chuyển đổi xanh đang là xu hướng và mục tiêu thiên niên kỷ của toàn thế giới. Đây cũng là một trong những giải pháp được toàn cầu hướng đến để giảm thiểu tác động của con người đối với môi trường, với nhiều hoạt động như chuyển dịch năng lượng xanh, công nghiệp xanh, năng lượng bền vững và kinh tế tuần hoàn... Thủ đô Hà Nội, với vị trí chiến lược và nhiều lợi thế đặc thù, đang có tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực chuyển đổi sản xuất xanh.

26-10-anhhpa-1.jpg
Ông Nguyễn Trần Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội (HPA).

Thành phố Hà Nội, với vai trò là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước, đang nỗ lực không ngừng để trở thành một thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và phát triển kinh tế tuần hoàn, là vùng động lực phát triển, 1 trong 2 cực tăng trưởng của vùng và cả nước, có sức lan tỏa mạnh để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển. Thành phố cũng đã xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên như năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, sản xuất chế biến thực phẩm an toàn và bảo vệ môi trường.

Chia sẻ về tiềm năng và lợi thế thu hút đầu tư của Việt Nam nói chung, khu vực phía Bắc nói riêng, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, Ngân hàng HSBC đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, JETRO nhìn nhận Việt Nam là địa điểm hấp dẫn đầu tư đứng thứ 2 trên thế giới và đứng thứ nhất khu vực châu Á. Còn theo EuroCham, Việt Nam được đánh giá thuộc top 10 điểm đến đầu tư toàn cầu...

Ngoài ra, theo Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức, 90% doanh nghiệp Đức mong muốn tiếp tục mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Hà Lan, Bỉ cũng đang thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ và năng lượng tái tạo. Đặc biệt, một số lĩnh vực của các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là năng lượng sạch, tái tạo, hydrogen xanh, chip bán dẫn, nghiên cứu và phát triển, trí tuệ nhân tạo, robot.

Thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, bảo vệ môi trường làm tiêu chí đánh giá

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Hà Nội và cả nước đang chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Đồng thời, tăng cường môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định; thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo như trí tuệ nhân tạo, chuỗi cung ứng thông minh, năng lượng tái tạo và công nghệ xanh; thúc đẩy dự án đầu tư vào công nghiệp xanh, năng lượng sạch và phát triển đô thị bền vững...

Cũng ở khía cạnh định hướng thu hút doanh nghiệp sản xuất xanh, bền vững, đại diện Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc thông tin, hiện Khu công nghệ cao Hòa Lạc thu hút đầu tư vào 4 lĩnh vực: Công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa và công nghệ thông tin.

Trong đó, chú trọng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trong lĩnh vực hoạt động của dự án theo quy định của pháp luật Việt Nam; khuyến khích đạt các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường ISO 14000 hoặc tương đương…

26-10-anhhpa-2.jpg
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu.

Về phía các doanh nghiệp, bà Lê Thị Hồng Anh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Sơn La cho rằng, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần thay đổi tư duy từ phát triển kinh tế truyền thống sang phát triển sản xuất xanh, bền vững. Tư duy xanh cần được đặt lên hàng đầu trong chiến lược phát triển dài hạn, thay vì chỉ tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn. Phát triển sản xuất xanh, bền vững không chỉ là xu hướng, mà còn là yếu tố quyết định sự tồn tại lâu dài của doanh nghiệp, hợp tác xã trong bối cảnh môi trường và tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm.

Để hoàn thành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh mà Chính phủ đề ra, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khẳng định, đến ngày 30-6-2024, đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh đạt 650.253 tỷ đồng, tăng 4,71% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 4,52% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và nông nghiệp xanh...

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức và rào cản, như nguồn lực tài chính còn khá hạn chế; thiếu cơ sở pháp lý phục vụ cho hoạt động tín dụng xanh, thiếu hướng dẫn chuyên ngành của các cơ quan chuyên môn về danh mục các ngành, lĩnh vực xanh với tiêu chí cụ thể; nhiều doanh nghiệp chưa hiểu biết về sản xuất xanh, dẫn đến không thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh...

Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh; xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, quy hoạch, chiến lược phát triển...) của từng ngành, lĩnh vực...