Sáng tạo trên nền di sản: Khởi nghiệp từ “vốn dân tộc”
Những năm gần đây, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp là một trong những hướng đi quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nền văn hóa truyền thống phong phú và đặc sắc của Việt Nam là mảnh đất đầy tiềm năng cho khởi nghiệp sáng tạo, dù con đường phía trước còn nhiều khó khăn.
Đòn bẩy từ "vốn dân tộc"
Chiếc kem chỉ là một món “ăn vặt”, giải khát hay tráng miệng sau bữa ăn thôi, nhưng khi mang trong mình hình ảnh di tích nào đó, chiếc kem ấy trở thành một “sản phẩm văn hóa” được nhiều người trẻ tìm kiếm. Búp trà cũng vậy, khi được ép thành bánh trà mang hình Khuê Văn Các thì lập tức trở thành một sản phẩm văn hóa đặc sắc gắn với truyền thống. Và, không chỉ trong ẩm thực, một chiếc áo phông hay chiếc túi xách in hình Việt Nam, một cuốn sách với bìa làm từ sơn mài, trúc chỉ truyền thống, hay một bộ board game đậm dấu ấn lịch sử Việt đều đang để lại nhiều dấu ấn.
Những câu chuyện văn hóa Việt đã được "kể" qua từng sản phẩm như thế, không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam mà còn đem lại một sức sống mới cho văn hóa truyền thống. “Vốn dân tộc” là cụm từ được đề cập khi nhắc đến những chủ thể sáng tạo đã làm mới mình và làm mới văn hóa truyền thống.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Hồng Hải, Trưởng bộ môn Nhân học, khoa Nhân học (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), trên thực tế, có rất nhiều loại vốn: Vốn kinh tế, vốn con người, vốn văn hóa, vốn xã hội, vốn biểu tượng... Chúng ta có thể khai thác nguồn vốn văn hóa dân tộc để tạo đòn bẩy khởi nghiệp sáng tạo, tạo ra dấu ấn Việt Nam với những thương hiệu mang đậm bản sắc Việt.
Khởi nghiệp từ vốn văn hóa truyền thống là câu chuyện đã xuất hiện ở nhiều nơi và trên nhiều lĩnh vực. Không chỉ với ẩm thực mà cả các ngành văn hóa, nghệ thuật khác, từ âm nhạc, mỹ thuật, xuất bản, thời trang... cho đến game hay các nghề truyền thống đã được giới trẻ lựa chọn “dấn thân”. Có thể kể đến những gương mặt trẻ thành công với câu chuyện sáng tạo trên nền di sản như Trần Hồng Nhung với “Zó Project”, Bùi Thị Mai Lan với “Thêu tay Tú Thị”, Nguyễn Việt Nam với “Tired City”, Nguyễn Đức Lộc với “Ỷ Vân Hiên”, Đinh Thị Thảo với “Chèo 48h”, Nguyễn Quốc Hoàng Anh với “Lên ngàn”, Lê Mạnh Cương với game “Thần tích”, Trịnh Thu Trang với “Họa sắc Việt”...
Theo kiến trúc sư Đinh Việt Phương, nhà sáng lập 3D Art, người đam mê phục dựng các công trình kiến trúc cổ, Việt Nam có 54 dân tộc với lịch sử lâu đời nên nguồn dữ liệu truyền thống dân gian đặc sắc của Việt Nam rất lớn, gần như không giới hạn. Đây chính là chất liệu, là cảm hứng để đội ngũ sáng tạo có thể khởi nghiệp và thành công.
Có thể thấy, ngày nay, sự phát triển của một thành phố, một quốc gia không thể thiếu đi cột trụ văn hóa. Đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa, sức mạnh mềm văn hóa càng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. “Khởi nghiệp” - “đổi mới sáng tạo” - “vốn dân tộc” đang là những yếu tố có liên hệ chặt chẽ và tác động qua lại lẫn nhau để văn hóa được giữ gìn và phát triển. Và, không chỉ khởi nghiệp từ vốn văn hóa dân tộc, các doanh nghiệp cũng có thể mở thêm cơ hội phát triển mới nếu biết dùng vốn dân tộc làm đòn bẩy sáng tạo cho sản phẩm, thương hiệu hay văn hóa doanh nghiệp.
Mong muốn có "nơi thuộc về"
Trong nhiều cuộc tọa đàm, trò chuyện về văn hóa, lịch sử được tổ chức trong những năm gần đây, không ít ý kiến đã bày tỏ niềm vui khi thấy ngày càng có nhiều người trẻ quan tâm đến truyền thống dân tộc. Trong số họ, nhiều người bắt đầu con đường sáng tạo trên nền di sản mà yếu tố tài chính là vấn đề được đặt ở phía sau. Làm vì yêu thích, làm vì đam mê, đó là câu trả lời mà hầu hết chủ nhân sáng tạo đã chia sẻ. Công dân Thủ đô ưu tú năm 2017 Ngô Quý Đức chẳng hạn. Tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin nhưng đam mê văn hóa dân gian, với thế mạnh được đào tạo bài bản, từ năm 21 tuổi Đức đã thành lập nhóm My Hanoi như một thư viện trực tuyến để chia sẻ thông tin về phố phường, làng mạc, địa danh, nhân vật, lịch sử, văn hóa, lối sống Hà Nội.
Sau này, rời nhóm My Hanoi, Đức lại khởi động dự án “Về làng” để giới thiệu các làng nghề truyền thống, nghệ nhân và các sản phẩm thủ công trong nước. Gần 20 năm rong ruổi trên dưới 500 làng nghề, Ngô Quý Đức đã “đánh thức” các trò chơi dân gian, kết nối với các nghệ nhân và thợ thủ công, quảng bá sản phẩm làng nghề, lan tỏa giá trị nghề thủ công truyền thống đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Mới đây nhất, Ngô Quý Đức đã sáng lập mô hình “Phường Bách Nghệ”, nơi mà bên cạnh không gian trưng bày còn có nhiều hoạt động trải nghiệm dành cho du khách.
Những người khởi nghiệp từ văn hóa truyền thống như Ngô Quý Đức khó có thể làm giàu như khi theo đuổi những ngành nghề “hot” trong xã hội hiện nay, nhưng điểm khác biệt là họ được làm những gì mình thích, sống với những gì mình đam mê. Họa sĩ trẻ Nguyễn Tấn Phát với “Phat Studio” cũng vậy, anh đã mang đến cho làng cổ Đường Lâm thêm một không gian mới, mang đến cho sơn mài truyền thống những tác phẩm đương đại độc đáo, thú vị, đậm chất dân gian. Và, Đường Lâm không chỉ có Nguyễn Tấn Phát. Dường như nơi đây đã quy tụ những chủ nhân khởi nghiệp sáng tạo với điểm tựa làng cổ, và nhờ có các không gian Đoài creative, Bếp Làng, Café Làng, các homestay, hướng dẫn viên làng cổ hay các món ăn truyền thống địa phương như chè lam, kẹo lạc cũng được biết đến nhiều hơn.
Tuy nhiên, không gian “tụ hội anh tài” như Đường Lâm là quá hiếm hoi. Mặt bằng không gian đã và đang là vấn đề lớn mà đội ngũ sáng tạo thường được nhắc đến. Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh, “cha đẻ” của các dự án “Zone 9”, “Hanoi Creative City” đã không ít lần chia sẻ rằng Hà Nội thiếu một “cái tổ” để cộng đồng sáng tạo được quy tụ, kết nối và cùng phát triển. Không đủ chi phí thuê mặt bằng, hoặc mặt bằng thuê không đảm bảo sự ổn định phát triển lâu dài, đó là thách thức lớn nhất mà đội ngũ sáng tạo trẻ phải đối mặt. Là một thành phố sáng tạo, trong tương lai, Hà Nội cần có một trung tâm sáng tạo để các hoạt động sáng tạo trong lòng thành phố có một “nơi thuộc về”. Việc có một nơi “an cư” sẽ kích thích các hoạt động sáng tạo nhiều hơn, rộng hơn và thường xuyên hơn, qua đó thu hút thêm những người trẻ kết nối, tham gia.
Mảnh đất văn hóa truyền thống vốn giàu tiềm năng và người trẻ còn rất nhiều cơ hội để khởi nghiệp sáng tạo trên nền di sản. Con đường khởi nghiệp nào cũng không dễ dàng, nhất là với văn hóa truyền thống, nhưng những dự án thành công của không ít người trẻ cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể “chuyển” di sản văn hóa thành tài sản.