Thanh Oai giám sát an toàn thực phẩm từ cơ sở
Từ đầu năm đến nay, nhằm nâng cao ý thức cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, huyện Thanh Oai đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật An toàn thực phẩm…
Các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện, xã, thị trấn tăng cường kiểm tra giám sát việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm từ cơ sở. Qua đó, kịp thời xử lý trường hợp vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Trưởng phòng Y tế huyện Thanh Oai Lê Văn Bắc cho biết, đến nay, trên địa bàn huyện có 2.084 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong đó có 879 cơ sở sản xuất, 419 cơ sở kinh doanh. Số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể là 586; cơ sở thức ăn đường phố là 200. Từ đầu năm đến nay, huyện yêu cầu các phòng chức năng, xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Ngoài ra, toàn huyện thành lập 33 đoàn kiểm tra; tuyến huyện đã kiểm tra tổng số 130 cơ sở, xử lý kịp thời 8 trường hợp vi phạm, tổng số tiền phạt 178 triệu đồng; buộc tiêu hủy 120 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, 120kg thịt đùi vịt, 950kg thịt lườn vịt, 450kg nầm lợn, 117kg thịt ức và nội tạng gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các xã, thị trấn đã kiểm tra 985 cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ theo thẩm quyền quản lý, phát hiện và xử lý vi phạm 58 cơ sở; xử lý vi phạm hành chính 58/58 cơ sở, tổng số tiền 204 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện ghi nhận 1 trường hợp ngộ độc methanol tại thị trấn Kim Bài.
Hiện nay, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện còn khó khăn do nhận thức và ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm của một số cơ sở chưa cao; còn tình trạng sử dụng nguyên liệu sản xuất, chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; vệ sinh cơ sở chưa bảo đảm; người sản xuất, chế biến thực phẩm chưa khám sức khỏe định kỳ; một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng dễ dãi trong lựa chọn thực phẩm, chưa phản ánh với cơ quan quản lý và tẩy chay cơ sở kinh doanh thực phẩm không an toàn…
Để giám sát an toàn thực phẩm từ gốc, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trọng Khiển, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm, nhất là Luật An toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, huyện vận động các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhà cung cấp, phân phối, người tiêu dùng thực phẩm tự giác, gương mẫu thực hiện quy định về an toàn thực phẩm; thay đổi hành vi, thói quen, cách sống mất vệ sinh, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm ở tất cả các khâu; bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân...
Bên cạnh đó, huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; chủ động phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm.
Mặt khác, huyện đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; tạo dư luận xã hội, người tiêu dùng lên án, tẩy chay sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm hành vi lợi dụng bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm để hạ uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh lành mạnh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm…