Xét danh hiệu nghệ nhân: Bảo đảm đúng quy trình, không bỏ sót nhân tài
Hà Nội là địa phương có nhiều di sản, làng nghề truyền thống và nghệ nhân. Những năm qua, công tác xét tặng danh hiệu nghệ nhân trên địa bàn Hà Nội đã góp phần tạo sự phấn khởi trong cộng đồng.
Đặc biệt, khi Nghị định số 93/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản được ban hành vào tháng 12-2023, nhiều vấn đề trong quy trình làm và xét duyệt hồ sơ được làm rõ, tạo điều kiện để công tác xét duyệt được thực hiện khách quan, công bằng, không bỏ sót tài năng.
Điểm mới trong quy định xét tặng danh hiệu
Ngày 24-6-2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 1690/QĐ-BVHTTDL ban hành Kế hoạch xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ IV. Lần xét tặng này được thực hiện theo Nghị định 93/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể có hiệu lực thi hành từ ngày 15-2-2024, có nhiều điểm mới so với quy định trước đây. Vì thế, các địa phương cần phải nắm rõ để thực hiện xét tặng bảo đảm đúng quy trình.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa phi vật thể (Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), bên cạnh 6 loại hình di sản văn hóa phi vật thể quy định trước đây như: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian; trong Nghị định 93/2023/ NĐ-CP có thêm loại hình nghề thủ công truyền thống.
Với việc bổ sung thêm loại hình mới, không ít nơi còn lúng túng trong phân biệt “nghề thủ công truyền thống” với “nghề thủ công mỹ nghệ”. Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thu Trang cho biết, nghề thủ công truyền thống được thể hiện thông qua việc thực hành, sáng tạo của cá nhân, cộng đồng theo hình thức thủ công, sử dụng nguyên vật liệu có yếu tố bản địa và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác để tạo ra các sản phẩm mang bản sắc văn hóa cộng đồng. Còn nghề thủ công mỹ nghệ là sự phát triển các kỹ năng làm nghề để tạo ra sản phẩm mới.
“Trong nhiều trường hợp, nghệ nhân khi làm hồ sơ không gọi đúng tên loại hình xét tặng hoặc chưa hiểu đúng loại hình di sản mà mình đang thực hành. Do vậy, cần hiểu rõ các loại hình di sản theo đúng quy định để việc lập hồ sơ xét tặng danh hiệu không có sai sót”, Tiến sĩ Nguyễn Thu Trang nói.
Làm đúng để không bỏ sót nhân tài
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, hiện trên địa bàn Thủ đô Hà Nội có 1.790 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê. Với một số điểm mới tại Nghị định 93/2023/NĐ-CP, hiện vẫn còn không ít băn khoăn về việc xác định loại hình di sản văn hóa phi vật thể để thực hiện hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến ở làng Hậu Ái (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức) chia sẻ, gia đình có nhiều đời làm đèn ông sao truyền thống, hiện nghề này đang bị mai một và các nghệ nhân gặp khó khăn trong việc bảo tồn. Vậy loại hình này có được xếp là di sản văn hóa phi vật thể và những nghệ nhân theo nghề có đủ điều kiện làm hồ sơ hay không?
Tâm sự của nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến cũng là điều đang được người làm nghề thủ công truyền thống như dệt the La Khê, làm ô mai, trồng dâu nuôi tằm, làm đậu phụ, bánh gai, bánh dày, làm tương, chè lam, chè kho, hay nghề làm thuốc chữa bệnh của đồng bào dân tộc Dao, Mường… quan tâm. Làm rõ những băn khoăn này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, bên cạnh những tiêu chuẩn như trung thành với Tổ quốc; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đạo đức…; nghệ nhân được xét tặng cần có kỹ năng thao tác nghề tiêu biểu cho loại hình di sản văn hóa phi vật thể được tôn vinh; nắm giữ tri thức, bí quyết, kỹ năng thực hành và có đóng góp thiết thực cho công cuộc bảo tồn, giữ gìn di sản… “Việc xét tặng danh hiệu không liên quan đến việc nghề mai một, quan trọng là nghề đó vẫn đang tồn tại, thực hành và trao truyền. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, người ghi chép, sưu tầm kiến thức về tri thức dân gian, không trực tiếp thực hành, trao truyền kỹ năng nghề thì không đủ điều kiện xét tặng danh hiệu nghệ nhân”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang giải thích.
Trong nghị định mới cũng phân định rõ vai trò của các địa phương trong việc hoàn thiện thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú. Trong đó, các cấp địa phương có nhiệm vụ tiếp nhận, hướng dẫn người dân làm đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo đúng hướng dẫn, sau đó gửi hồ sơ lên hội đồng xét tặng. Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh nhấn mạnh, để việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú bảo đảm đúng quy định, không bỏ sót nhân tài thì vai trò của địa phương là rất quan trọng.
“Thành phố đã phân cấp quản lý tới quận, huyện, thị xã, vì thế, với đề xuất của các cá nhân, nghệ nhân các cấp thì chính quyền địa phương nhất thiết phải nắm được. Trong việc này, chính quyền địa phương cần tăng cường rà soát, tích cực hỗ trợ các nghệ nhân trong việc xây dựng, hoàn thiện hồ sơ xét duyệt danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú để bảo đảm thực hiện đúng, nghiêm túc, hiệu quả các quy định của pháp luật”, bà Phạm Thị Lan Anh lưu ý.