Góc nhìn

Luật hóa quy hoạch đô thị và nông thôn

Tuấn Minh 25/10/2024 - 06:23

Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn dù là hai phạm trù khác nhau nhưng nội dung có quan hệ mật thiết với nhau trong thực tiễn.

Tuy nhiên, qua 14 năm thi hành Luật Quy hoạch đô thị, 9 năm thi hành Luật Xây dựng cùng với những yêu cầu mới của thực tiễn phát triển đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

Trong đó, việc lập quy hoạch đô thị còn chậm, chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tế xã hội và yêu cầu quản lý. Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch còn nhiều bất cập, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành dẫn đến tình trạng không thống nhất giữa quy hoạch đô thị với các quy hoạch chuyên ngành khác, chưa bảo đảm sự kết nối, nhất là sự liên thông, đồng bộ về hạ tầng trong đô thị và giữa đô thị với khu vực lân cận…

Vì thế, việc xây dựng dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là cần thiết. Đây là cơ hội để nhìn lại tổng thể các quy hoạch liên quan đến đô thị và nông thôn để có một hệ thống quy hoạch đồng bộ; tránh bị trùng lặp, chồng chéo giữa các quy hoạch với nhau.

Trên tinh thần đó, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ tám này vào ngày 25-10 gồm 6 chương, 65 điều với những nội dung liên quan đến quy định về loại đô thị và cấp hành chính đô thị; hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn...

Vấn đề được các đại biểu thảo luận cũng như dư luận quan tâm thời gian qua đối với dự thảo luật là cần giải thích rõ về đô thị, đô thị mới, nông thôn cũng như các giải thích về quy hoạch khu chức năng quy hoạch đô thị, nông thôn, quy định rõ về thời gian lập, thẩm định và phê duyệt việc điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị và nông thôn…

Trong đó vấn đề thời kỳ, thời hạn quy hoạch nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch khác được các đại biểu quan tâm. Theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều phải lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh theo thời kỳ quy hoạch 10 năm. Trong khi dự thảo luật có thời hạn là 20-25 năm, tầm nhìn của quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương là 50 năm. Sự chưa thống nhất này sẽ dẫn đến quá trình thực hiện các phương án quy hoạch để tích hợp, dự báo khó bảo đảm sự đồng bộ, tương thích...

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, đô thị và nông thôn là các không gian lãnh thổ không thể tách rời, được tổ chức xen kẽ, được quản lý theo các cấp chính quyền. Trong đơn vị hành chính đô thị có một phần nông thôn và trong đơn vị hành chính nông thôn có một phần đô thị. Do đó, công tác quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn cần được nghiên cứu đồng bộ để bảo đảm đáp ứng yêu cầu về sự chuyển hóa giữa đô thị và nông thôn theo hướng hiệu quả và bền vững. Việc khắc phục những bất cập, cụ thể hơn là luật hóa công tác quy hoạch đô thị và nông thôn sẽ là ưu tiên hàng đầu của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận về dự thảo luật. Từ đó, tìm được sự thống nhất trong các vấn đề còn gây tranh luận để dự thảo luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Điều này sẽ góp phần tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.

Đồng thời, khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội; đưa đất nước ta phát triển nhanh, bền vững.