Thị trường

Hà Nội kích cầu tiêu dùng với Chương trình khuyến mại tập trung

Thanh Hiền 24/10/2024 - 15:55

Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội là giải pháp thiết thực nhằm kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của Hà Nội.

Chương trình cũng đồng thời thực hiện hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và các chương trình liên quan đến thương mại điện tử và các sản phẩm có thương hiệu, uy tín trên thị trường.

10-12-bigc3.jpg
Siêu thị BigC Thăng Long triển khai nhiều chương trình khuyến mại trong Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội năm 2024. Ảnh: Thanh Hiền

Hỗ trợ doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh

Theo kế hoạch tháng 11-2024, Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội tiếp tục diễn ra, sau các sự kiện khuyến mại tập trung trong tháng 5 và tháng 7-2024.

Đáng chú ý, trong chuỗi hoạt động khuyến mại tháng 11, có nhiều chương trình khuyến mại lớn nhất năm và trở thành "đặc sản" của thành phố Hà Nội. Đó là các sự kiện trong khuôn khổ chương trình như “Ngày hội khuyến mại hàng tiêu dùng và nông sản”; “Ngày hội khuyến mại thời trang và làm đẹp”; “Ngày hội khuyến mại điện tử, công nghệ”; “Sự kiện không dùng tiền mặt” và đặc biệt là "Hà Nội đêm không ngủ"..., luôn được người tiêu dùng đón nhận.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối đã triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại nhằm kích cầu tiêu dùng.

Các chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội đã tập hợp và lan tỏa sâu, rộng hơn ý nghĩa của hoạt động khuyến mại đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng, từ đó tác động tích cực đến nền kinh tế.

Chương trình khuyến mại tập trung được thành phố Hà Nội tổ chức trong nhiều năm qua và sau mỗi năm số lượng doanh nghiệp tham gia lại đông hơn. Hình thức khuyến mại ngày càng phong phú và thúc đẩy mạnh mẽ việc quảng bá, tiêu thụ hàng Việt Nam. Trong năm 2023, Sở Công Thương Hà Nội đã tiếp nhận hơn 12.000 thông báo đăng ký khuyến mại của doanh nghiệp, với tổng giá trị ước tính hơn 25.000 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Minh Phương (trú tại chung cư B11A Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy) nhận xét: “Với điều kiện kinh tế khó khăn, các chương trình khuyến mại lớn xuyên suốt trong năm đặc biệt ý nghĩa. Nhiều chương trình khuyến mại giảm giá sâu cùng nguồn hàng dồi dào, phong phú… đã hỗ trợ, san sẻ gánh nặng chi tiêu với người tiêu dùng”.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh nhận định, các hoạt động khuyến mại không chỉ góp phần bảo đảm cân đối cung - cầu, giúp người tiêu dùng mua sắm hàng hóa với giá cả hợp lý, mà còn là giải pháp thúc đẩy tiêu dùng, qua đó khẳng định thị trường nội địa là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế.

Qua hoạt động khuyến mại tập trung, doanh nghiệp giao thương, liên kết sản xuất, gia tăng sức cạnh tranh, đồng thời cũng có ý thức trách nhiệm hơn với người tiêu dùng và thị trường trong nước.

Kỳ vọng vào thị trường nội địa

Năm 2025, ngành Công Thương Hà Nội đặt mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 10-11%... Để đạt mục tiêu trên, kích cầu tiêu dùng nội địa tiếp tục là một trong những giải pháp quan trọng.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền ký ban hành Kế hoạch số 299/KH-UBND về việc tổ chức Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội năm 2025.

Chương trình tiếp tục diễn ra trong các tháng 5, 7 và 11, trong đó nội dung chính gồm các hội chợ, ngày hội khuyến mại, "Tháng khuyến mại"; "Hà Nội đêm không ngủ"; sự kiện Khuyến mại hàng hiệu...

Chương trình dự kiến thu hút 1.000 - 2.000 doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế trên cả nước, trong đó có các trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp, siêu thị điện máy, chợ, cửa hàng tự chọn, các cửa hàng chuyên doanh, hệ thống ngân hàng...

Mục tiêu chính của chương trình là kích cầu nội địa, gia tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, đồng thời góp phần hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của Hà Nội trong năm 2025.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, theo kế hoạch, Sở được giao chủ trì phê duyệt danh sách doanh nghiệp tham gia khuyến mại; chương trình, tỷ lệ khuyến mại, giảm giá của các doanh nghiệp; phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố tổ chức Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2025.

Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội và các sở, ngành liên quan sẽ kiểm tra, giám sát các hoạt động diễn ra trong chương trình, chống buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, xử lý nghiêm các vi phạm…

Các địa phương có trách nhiệm đảm bảo an ninh, trật tự, bố trí mặt bằng, tổ chức trông giữ xe tập trung tại khu vực diễn ra các sự kiện. Thông tin, phổ biến về chương trình đến từng phường, xã, thị trấn, chú ý sử dụng hình thức tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh tới các cụm dân cư...

"UBND thành phố yêu cầu việc triển khai Chương trình khuyến mại tập trung phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đáp ứng mục đích yêu cầu; tăng cường vai trò các cơ quan, đơn vị trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, bình ổn giá cả, ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ năm 2025 và các năm tiếp theo", kế hoạch nêu rõ.

Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội 2025 với chuỗi các hoạt động phong phú, các sự kiện khuyến mại được đổi mới, nâng cao chất lượng, phù hợp với tình hình thực tế, cùng các chương trình xúc tiến thương mại gắn với đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam, được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế Thủ đô.

Từ góc độ doanh nghiệp phân phối, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội (quận Hà Đông) cho biết, để chuẩn bị cho việc tham gia Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội, đơn vị đã làm việc trước với các nhà cung cấp để có được mức giá và nguồn hàng tốt nhất. Bên cạnh mức giảm của nhà cung cấp, Co.opmart còn triển khai mức giảm riêng, vừa hỗ trợ người tiêu dùng, vừa tạo lợi thế cạnh tranh.