Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Khánh Ly 24/10/2024 15:32

Ngày 24-10, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ ở Thủ đô Hà Nội hiện nay".

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì hội thảo. Đồng chủ trì hội thảo có PGS.TS Phạm Minh Anh, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đào Xuân Dũng.

Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học của Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, Vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương), Tạp chí Cộng sản, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch… và các văn nghệ sĩ trên địa bàn Thủ đô.

Cần có niềm tin vào truyền thống văn hóa của Thủ đô, đất nước

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Anh, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong cho biết, hội nhập quốc tế, giao lưu, tiếp xúc văn hóa mang lại nhiều cơ hội để chúng ta tiếp thu những giá trị văn hóa tiến bộ, nhưng đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức khi các trào lưu văn hóa ngoại lai có thể gây ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa truyền thống và tư tưởng chính trị của đất nước.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong và các đồng chí chủ trì hội thảo. Ảnh: Hương Ly

Thông qua sản phẩm văn chương, các quan điểm cực đoan, lệch lạc, cách tiếp cận phiến diện và mơ hồ theo phương thức “mưa dầm thấm lâu” rất dễ tác động tới nhận thức, tâm lý, tình cảm của người đọc. Nếu không đủ bản lĩnh, sáng suốt dễ rơi vào “bẫy” của các thế lực thù địch, phản động.

Do đó, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh này đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách quản lý của Nhà nước, sự sáng tạo nghệ thuật của các văn nghệ sĩ và sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân.

Tham luận tại hội nghị, GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nhận định, Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước nên việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa là một trong những nhiệm vụ chiến lược cùng với phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng.

PGS.TS Phạm Minh Anh, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong phát biểu đề dẫn tại hội thảo - Ảnh: Hương Ly
PGS.TS Phạm Minh Anh, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong phát biểu đề dẫn tại hội thảo. Ảnh: Hương Ly

Để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, GS.TS Phùng Hữu Phú cho rằng, Hà Nội phải tạo ra một môi trường thật sự dân chủ. Cùng với việc tăng cường đối thoại, chia sẻ với các văn nghệ sĩ, thành phố cũng cần quan tâm hơn tới việc bồi đắp văn hóa, tư tưởng cho thanh niên Thủ đô.

Nhấn mạnh, Hà Nội đã trải qua 70 năm xây dựng và phát triển đầy tự hào, GS.TS Phùng Hữu Phú cho rằng, Hà Nội có đầy đủ vị thế và sức mạnh để tập trung xây dựng một nền văn hóa, văn nghệ Thủ đô xứng tầm, theo tinh thần đổi mới.

“Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên đổi mới sáng tạo, nên lĩnh vực văn hóa của Thủ đô cũng đòi hỏi phải phát triển dựa trên tinh thần đổi mới sáng tạo vì lợi ích của Thủ đô, của người Hà Nội”, GS.TS Phùng Hữu Phú chia sẻ.

GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hương Ly

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Văn hóa Thăng Long cho rằng, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam nói chung, bảo vệ nền tảng tư tưởng trên lĩnh vực văn hóa nói riêng có biết bao bài học sâu sắc.

"Mọi âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch đều thất bại bởi Việt Nam đã ngày càng phát triển mạnh mẽ và thực sự trở thành một quốc gia có vị thế, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Nhiều du khách ngỡ ngàng khi đến Việt Nam khi chứng kiến đời sống thanh bình của cư dân bản địa. Nhiều nguyên thủ quốc gia ung dung dạo phố, tiếp xúc cùng người dân, sử dụng các dịch vụ, ẩm thực đường phố một cách tự tin, thoải mái. Thực tiễn này là nền tảng vững chắc để chúng ta bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân là vũ khí mạnh mẽ nhất làm cho mọi sự chống phá của thế lực thù địch thất bại", Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cũng cho rằng, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ cần có niềm tin vào truyền thống văn hóa của Thủ đô, của đất nước. Từ đó tạo cảm hứng để tạo nên những tác phẩm văn hóa nghệ thuật xứng tầm với thời đại.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Văn hóa Thăng Long phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hương Ly

Chính sách quản lý văn hóa, văn nghệ cần linh hoạt, phù hợp với thực tiễn

Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Hải Minh, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phân tích, đánh giá những đóng góp của văn nghệ sĩ trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời, đề xuất những giải pháp để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ. Đó là việc xây dựng, sáng tạo nên những tác phẩm có nội dung, tư tưởng, chất lượng nghệ thuật cao với hình thức biểu đạt mới, thấm sâu vào cuộc sống, có giá trị lâu bền, góp phần phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong công cuộc đổi mới, tạo thành “sức mạnh mềm” văn hóa, giúp dân tộc trường tồn, đất nước phồn vinh.

NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội làm rõ trách nhiệm của văn nghệ sĩ Thủ đô trong xây dựng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.

Theo ông Trần Quốc Chiêm, cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống quan điểm lệch lạc, sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học nghệ thuật là một bộ phận của hoạt động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong nội bộ. Bởi, văn học nghệ thuật là một bộ phận quan trọng của văn hóa, tác động trực tiếp đến quan điểm, nhận thức, tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Hương Ly

Tuy nhiên, thời gian qua, có rất ít tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, chưa có nhiều tác phẩm phản ánh tạo sức lan tỏa và cổ vũ lớn lao các điển hình tiên tiến trong lao động và sản xuất; trên mặt trận tư tưởng còn thiếu vắng các tác phẩm văn học nghệ thuật đấu tranh trực diện với những quan điểm sai trái, thù địch... Để khắc phục, cần có sự quan tâm đúng mức nhằm giúp đội ngũ văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống xã hội, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước.

Tiến sĩ Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cũng cho rằng, để làm tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, cần có những chỉ đạo định hướng để lực lượng văn nghệ sĩ sáng tạo những tác phẩm có chất lượng cao. Cùng với đó, cần có chế độ tiền kiểm, đọc trước những tác phẩm nhạy cảm, để hạn chế những tác phẩm độc hại bởi nếu sơ ý để những tác phẩm này in ra thì mức độ nguy hại sẽ không thể lường hết.

PGS.TS Phạm Minh Anh, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong góp ý, chính sách quản lý trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ cần được xây dựng một cách linh hoạt, phù hợp với thực tiễn, nhằm bảo đảm các giá trị văn hóa ngoại lai được chọn lọc và thích ứng một cách có chọn lọc, không làm phai nhạt bản sắc dân tộc, đồng thời, ngăn chặn và phản bác hiệu quả những luận điệu xuyên tạc từ các thế lực thù địch.

Ứng xử tinh tế để phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa

Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã ghi nhận đánh giá cao 35 tham luận gửi về và ý kiến phát biểu tại hội thảo. Qua đó, thể hiện nhận thức rất rõ về vai trò của phát triển văn hóa nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô và phản bác những quan điểm sai trái, thù địch.

Đáng chú ý, ý kiến tham luận của một số chuyên gia, nhà khoa học cũng đã đặt ra những vấn đề mang tính lý luận để nhận diện tầm quan trọng của văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thủ đô; thể hiện sự kế thừa, tiếp thu một kho tàng di sản văn hóa vô cùng đồ sộ của văn hóa Thăng Long - Hà Nội suốt chiều dài hơn một nghìn năm lịch sử.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, chúng ta đang sống thời đại đổi mới sáng tạo, toàn cầu hóa, thời đại của nhân văn, dân chủ được đề cao. Với kho tàng đồ sộ và vô cùng quý giá như vậy, vấn đề quan trọng được đặt ra là phải tiếp thêm sinh lực để mạch nguồn văn hóa Thăng Long tiếp tục phát triển và hòa cùng dòng chảy của nhân loại.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận. Ảnh: Hương Ly

Qua các ý kiến tham luận tại hội thảo, có thể nhận thức rõ hơn truyền thống nhân văn, dân chủ của Hà Nội đã luôn được phát huy và được đề cao. Chính vì vậy, cần ứng xử tinh tế sao cho có thể phát huy được “sức mạnh mềm” văn hóa nhưng vẫn bảo đảm những quy định của Đảng.

Với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, Hà Nội có vai trò, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Việc giữ gìn an ninh văn hóa song hành với giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thành phố. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, đòi hỏi sự bền bỉ, linh hoạt, sáng tạo trong quá trình thực hiện.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng nhấn mạnh, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng quan trọng nhất là “xây”. Cùng với việc tiếp tục kế thừa truyền thống ngàn năm văn hiến, cần có những việc làm, hành động cụ thể để văn hóa Hà Nội phát triển sinh động, hấp dẫn hơn. Quan trọng hơn là khơi dậy được niềm tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của Thăng Long - Hà Nội, làm cho văn hóa hiện đại của Hà Nội trở nên sống động, tạo thêm sinh lực, niềm tự hào, sự tự tin cho Hà Nội.

Nhấn mạnh, đại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô vừa qua đã được thành phố tổ chức trên tinh thần người dân được tham gia rộng rãi và là chủ thể của đại lễ. Cùng với đó, thông qua chuỗi sự kiện được tổ chức, thành phố đã giới thiệu được văn hóa Hà Nội đang hòa cùng dòng chảy của văn minh nhân loại, không hề tụt hậu mà đã được làm phong phú hơn.

“Nếu được chứng kiến sự rạng rỡ của người dân khi tham gia chuỗi sự kiện văn hóa nhân dịp đại lễ kỷ niệm có thể nhận thấy niềm tin, sự tự hào vào các giá trị văn hóa truyền thống của Hà Nội. Đây cũng chính là nguồn lực nội sinh để xây dựng và phát triển Thủ đô; chống lại những thứ đi ngược lại văn hóa Thăng Long - Hà Nội; tiếp thêm sức đề kháng để người dân bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống và chống lại các tư tưởng chống phá thù địch”.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, để vừa “xây”, vừa “chống” nhằm làm tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của Thủ đô.

Nhấn mạnh, thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22-2-2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng cho biết, tới đây, thành phố sẽ triển khai những công trình, dự án cụ thể để tạo điều kiện cho người dân hưởng thụ những giá trị văn hóa, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các địa phương trên toàn thành phố. Song hành với đó, thành phố cũng sẽ tăng cường đối thoại để có được sự sẻ chia, thấu hiểu với đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô.

vh-qc-dep-.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hương Ly

Cùng với đó, thành phố cũng sẽ xây dựng văn hóa trong học đường để định hình văn hóa cốt cách trong học sinh, sinh viên. Cùng với việc đưa nội dung xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh vào nhà trường, tới đây cần đưa các tác phẩm kinh điển vào nhà trường bằng hình thức sân khấu hóa, qua đó bồi đắp niềm tin, lòng tự hào của các em học sinh về truyền thống văn hóa của Thủ đô để thế hệ trẻ có thể tự tin bước ra thế giới.

Nhấn mạnh, văn hóa có thể được coi như “mã số định danh” của mỗi quốc gia, mỗi con người trong quá trình hội nhập quốc tế, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng cho rằng, việc đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ phải là vấn đề tự thân, tự nguyện đến từ trong ý thức của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Để làm được điều này, mỗi tập thể, cá nhân cần làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình; khi gặp khó khăn, vướng mắc cần có sự chia sẻ, giúp đỡ, phối hợp giữa các đơn vị để có thể chủ động, linh hoạt và làm tốt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực văn hóa.