Không gian mới ở làng nghề guốc mộc Yên Xá
Với đức tính cần cù, thông minh bàn tay khéo léo, sáng tạo, ngoài làm ruộng, nhân dân làng Yên Xá (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) còn giỏi nghề thủ công, mỹ nghệ. Hơn 100 năm nay, làng Yên Xá đã phát triển nghề làm guốc gỗ, guốc gộc tre.
Để tạo điều kiện cho làng nghề phát triển, xã Tân Triều đã đưa vào khai thác “Không gian trưng bày guốc mộc làng Yên Xá”, là nơi trưng bày, quảng bá, trải nghiệm nghề truyền thống của làng.
Cụ Trương Quốc Tuấn, một thợ đóng guốc lão luyện ở Yên Xá chia sẻ, thời phong kiến, guốc mộc là món đồ được cả quan lại và người dân ưa chuộng, sử dụng nên làng Yên Xá có cuộc sống sung túc nhờ nghề làm guốc. Đến khoảng những năm 1960, tôi được Nhà nước giao phụ trách phân xưởng sản xuất guốc mộc với hơn 200 thợ chuyên đóng guốc xuất đi các tỉnh phía Nam.
Vào các năm 1980-1985, gần như 100% số hộ dân ở làng Yên Xá làm nghề guốc. Làng quê chẳng khác nào một công xưởng lớn, từng đoàn xe tấp nập chở gỗ về làng và cất hàng đi tiêu thụ. Guốc Yên Xá lúc ấy gồm 2 loại chính là guốc 5 phân và 7 phân, có đóng triện hình con voi lên đôi guốc. Người Yên Xá làm guốc mộc bằng gỗ vạng, bồ đề, xoan, gáo, thông..., vừa dễ cưa xẻ, vừa nhẹ, lại bóng đẹp. Nghề làm guốc mộc Yên Xá nức tiếng gần xa về quy mô sản xuất và tính thẩm mỹ
Đắm ánh mắt, tay gõ nhẹ búa đẩy những chiếc đinh sắt vít chặt qoai vào thân guốc, ông Trương Công Đức (con trai cụ Tuấn) nói: "Làm guốc bây giờ khác các cụ xưa. Guốc không chỉ để đi mà còn là sự tinh tế, đẹp mắt. Ngoài phần mộc, đinh đóng quai, chúng tôi sử dụng loại đinh đồng được đặt riêng từ làng nghề đúc đồng. Còn quai nếu bằng vải lụa thì phải là lụa Vạn Phúc. Hiện người làm nghề đã dùng máy cưa, máy bào, máy đánh bóng, phun sơn…, thay vì làm thủ công như trước đây. Nhờ vậy, mỗi ngày làng nghề cung cấp cho thị trường hàng nghìn đôi guốc các loại, thêm thu nhập cho người làm nghề.
Là người con quê hương Yên Xá, gia đình qua nhiều đời sản xuất guốc mộc, với quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống địa phương, ông Trương Công Đức liên tục cải tiến, sáng tạo những mẫu guốc mới phù hợp với xu thế thị trường hiện đại. Theo ông Tuấn, với xu hướng sống "xanh", những sản phẩm thủ công làm từ vật liệu tự nhiên được nhiều người ưa chuộng. Hơn nữa, giới trẻ hiện nay sử dụng nhiều trang phục truyền thống, như: Áo dài, áo lam pháp phục… kèm theo những phụ kiện phù hợp, đó là đôi guốc mộc, nên guốc mộc vẫn có sức tiêu thụ tốt.
Chị Nguyễn Thị Thanh Mai, một người thường xuyên sử dụng guốc mộc làng Yên Xá cho hay: “Đi guốc mộc có cảm giác thoáng chân và tự nhiên. Ở nhà, tôi chọn đi những đôi đế xuồng cho thoải mái. Còn đi làm, tôi sử dụng những đôi guốc cao gót để tôn dáng. Đặc biệt, khi mặc áo dài, đi guốc mộc, tôi thấy rất duyên dáng và truyền thống”. Cũng theo chị Mai, trước đây, có những lúc guốc mộc rất khó mua, bởi rất ít người làm. Tuy nhiên, khoảng 10 năm nay, biết ở làng Yên Xá vẫn còn một số thợ làm guốc, nên chị thường tới làng để mua.
Trưởng thôn Yên Xá Nguyễn Hồng Sơn cho biết: Trước đây, làng Yên Xá có nghề làm guốc và gần như 100% số hộ trong làng tham gia, nhưng hiện nay người dân phát triển đa nghề. Cả thôn Yên Xá còn 3 hộ giữ nghề truyền thống. Chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các hộ làm nghề gìn giữ, phát triển nghề truyền thống của quê hương.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều Đỗ Vân Long, để hỗ trợ làng nghề quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, Đảng ủy, UBND xã đã bố trí quỹ đất công trên diện tích hơn 50m2, nằm kề với Trung tâm sinh hoạt cộng đồng của làng. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng Không gian trưng bày guốc mộc làng Yên Xá. Đây là nơi trưng bày, quảng bá, thao tác nghề truyền thống và là điểm đến trải nghiệm cho du khách tham quan làng nghề. Trong sáng 24-10, Không gian trưng bày sản phẩm guốc mộc làng Yên Xá đã chính thức khai trương, đáp ứng lòng mong mỏi của người làng nghề và du khách tới tham quan, mua sản phẩm.