Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn cho xe điện hóa
3 thập kỷ qua, giao thông vận tải là lĩnh vực duy nhất có lượng phát thải khí nhà kính tăng, giai đoạn 1990-2019 đã tăng hơn 33%.
Trong khuôn khổ Triển lãm Vietnam Motor Show 2024 tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24-10 đã diễn ra hội thảo “Giảm phát thải từ phương tiện giao thông và chuyển đổi năng lượng xanh hướng tới bảo vệ môi trường”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) Ninh Hữu Chấn nhấn mạnh, phát thải từ phương tiện giao thông đang là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu. Vì thế, chuyển đổi năng lượng xanh là xu hướng tất yếu, việc chuyển đổi sang các phương tiện sử dụng năng lượng sạch, bao gồm xe điện và các dòng xe thân thiện với môi trường đã trở thành yêu cầu cấp bách.
Cũng theo ông Ninh Hữu Chấn, qua hội thảo sẽ hiểu sâu hơn về các giải pháp phát triển dòng xe điện hóa tại Việt Nam và quốc tế, vai trò của việc sử dụng đúng nhiên liệu tiêu chuẩn Euro 5 trong giảm thiểu phát thải và bảo vệ môi trường. Điều này góp phần thực hiện cam kết lâu dài của Việt Nam đối với mục tiêu Net Zero vào năm 2050, phù hợp với các chiến lược quốc gia và quốc tế về giảm thiểu phát thải carbon.
Tại hội thảo, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, trong 3 thập kỷ qua, giao thông vận tải là lĩnh vực duy nhất có lượng phát thải khí nhà kính tăng, tăng 33,5% từ năm 1990-2019. Do đó, Liên minh châu Âu đặt mục tiêu giảm 90% lượng phát thải khí nhà kính từ giao thông vận tải vào năm 2050.
Để làm được điều này, theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, điện hóa phương tiện là một trong những biện pháp quan trọng nhất để giảm khí nhà kính cho ngành giao thông vận tải. Trong khi, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển xe điện hóa từ nguồn điện sạch rất lớn như điện gió, điện mặt trời… Đây cũng là cơ sở quan trọng để thực hiện điện hóa phương tiện giao thông đường bộ thời gian tới.
Để thúc đẩy xu hướng sử dụng phương tiện giao thông môi trường tại Việt Nam, theo các chuyên gia tham dự hội thảo, cơ quan chức năng cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam cho xe điện hóa. Đây là công cụ hỗ trợ trong công tác quản lý nhà nước về xe điện hóa.
Mặt khác, định hướng cho các nhà sản xuất và lắp ráp trong nước, ngành công nghiệp phụ trợ cho xe điện hóa. Bên cạnh đó, ban hành các chính sách phát triển ô tô điện hóa đồng bộ trên cả 3 phương diện, gồm: Phát triển công nghiệp ô tô điện hóa; nghiên cứu phát triển công nghệ ô tô điện hóa và phát triển thị trường ô tô điện hóa...
Trước đó, ngày 23-10, Triển lãm Ô tô - Xe máy Việt Nam 2024 (Vietnam Motor Show 2024) khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC, thành phố Hồ Chí Minh) với sự tham gia của 19 thương hiệu xe cùng gần 300 trăm gian hàng ngành công nghiệp phụ trợ.