Lao động - Việc làm

Tiếp tục kiến nghị giữ mức kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương

Tiến Thành 24/10/2024 - 11:07

Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với quy định giữ mức kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Sáng 24-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

cd1.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Định kỳ 2 năm báo cáo Quốc hội về tài chính công đoàn

Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội và ý kiến của cấp có thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định “người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì có quyền gia nhập công đoàn, hoạt động tại công đoàn cơ sở”. Ngoài ra, dự thảo Luật đã quy định cán bộ công đoàn là công dân Việt Nam, do đó, người lao động là người nước ngoài không thể trở thành cán bộ công đoàn.

Về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng: Bổ sung quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn; rà soát nhiệm vụ chi kinh phí công đoàn bảo đảm bao quát và đầy đủ hơn; không quy định trong Luật việc phân phối kinh phí công đoàn khi có nhiều tổ chức đại diện của người lao động để bảo đảm linh hoạt, hài hòa; bổ sung quy định “Sau khi thống nhất với Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu, phân cấp thu, phân phối và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của công đoàn”; giao Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

cd2.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu, ý kiến các cơ quan, một số quy định của dự thảo Luật đã được chỉnh sửa, cụ thể: Giữ lại cụm từ “Công đoàn là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam” và cụm từ “cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội để thực hiện những nhiệm vụ” như quy định của Luật hiện hành để khẳng định rõ địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam; bổ sung giải thích về “đoàn viên công đoàn”; bổ sung các quy định để công đoàn độc lập hơn với người sử dụng lao động.

Bổ sung các nguyên tắc hợp tác quốc tế, nội dung hợp tác quốc tế và giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn, quản lý hoạt động quốc tế của công đoàn; quy định cụ thể hành vi bị nghiêm cấm về phân biệt đối xử với cán bộ công đoàn vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động công đoàn; bổ sung, làm rõ hơn các quy định về quyền, trách nhiệm của công đoàn; bổ sung quy định định kỳ 2 năm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo Quốc hội về tình hình thu, chi và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn…

cd3.jpg
Đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) phát biểu thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn

Cần quy định về cán bộ công đoàn chuyên trách

Về quy định giữ mức kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An), đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Đoàn Vĩnh Phúc) và nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình và cho rằng, quy định này đã được duy trì và phát huy hiệu quả hơn 60 năm qua (từ năm 1957), trực tiếp chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động tại công đoàn cơ sở. “Việc Luật hóa và tiếp tục duy trì quy định này là hết sức cần thiết, bảo đảm cho các cấp công đoàn thực hiện tốt trách nhiệm của mình với đoàn viên, người lao động”, đại biểu Trần Nhật Minh nói.

Còn đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cần quy định cụ thể, doanh nghiệp dưới 500 lao động thì đóng mức 2%, từ 500 đến 3.000 lao động là 1,5%, trên 3.000 lao động chỉ 1% nhằm bảo đảm chi phí hoạt động của doanh nghiệp.

Cùng liên quan đến tài chính công đoàn, đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, ngoài việc thực hiện theo các quy định chung của pháp luật thì cần có sự độc lập theo quy định riêng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để phục vụ cho đoàn viên, người lao động.

cd4.jpg
Đại biểu Võ Mạnh Sơn (Đoàn Thanh Hóa) thảo luận tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Đại biểu Võ Mạnh Sơn (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị cần bổ sung thẩm quyền cho công đoàn ngành trung ương và tương đương trong việc công nhận tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gia nhập Công đoàn Việt Nam để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong công tác chỉ đạo toàn hệ thống công đoàn, giúp tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có quyền lựa chọn công đoàn địa phương hoặc công đoàn ngành và tương đương để gia nhập. “Nếu chỉ quy định thẩm quyền công nhận cho Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì có thể dẫn đến quan điểm cho rằng hạn chế quyền gia nhập vào công đoàn ngành của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”, đại biểu nói.

Về tổ chức bảo đảm tổ chức bộ máy, cán bộ công đoàn, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho biết, hiện nay, mức phụ cấp cho cán bộ công đoàn cấp cơ sở là rất thấp, gây khó khăn cho hoạt động và khó thu hút nhân lực tham gia tổ chức Công đoàn cấp cơ sở. Theo đại biểu, tuy dự thảo luật không quy định cụ thể tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu tài chính công đoàn nhưng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quan tâm, nâng mức phụ cấp cho cán bộ công đoàn cơ sở để phù hợp với trách nhiệm và tình hình hiện tại.

Cùng về vấn đề này, đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, hiện nay, số lượng biên chế được giao cho công đoàn ít, trong khi đoàn viên công đoàn, viên chức, lao động liên tục tăng, các liên đoàn lao động tiếp tục phát triển. Như vậy, việc quản lý không đảm bảo, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nếu không bố trí thêm cán bộ công đoàn chuyên trách. Đại biểu đề nghị dự thảo luật giữ quy định giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và công đoàn cơ sở.