An toàn thực phẩm

Tăng cường kiểm tra, phòng, chống ngộ độc thực phẩm

Quỳnh Dung 24/10/2024 - 07:36

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, ngành Y tế các địa phương đang tích cực thực hiện công tác phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; kịp thời chấn chỉnh hạn chế, bất cập; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống… Đây là các biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

thuc-pham.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Ba Vì kiểm tra nguồn gốc sản phẩm tại một cửa hàng kinh doanh đồ uống ở thị trấn Tây Đằng. Ảnh: Bình Minh

Tăng cường giám sát chất lượng

Để phòng, chống ngộ độc thực phẩm, từ đầu năm đến nay, huyện Thạch Thất thực hiện tốt các mô hình về an toàn thực phẩm; triển khai, chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin về việc tổ chức các bữa cỗ tập trung đông người, các sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra trên địa bàn.

Trưởng phòng Y tế huyện Thạch Thất Vương Thị Ngọc Diên cho biết, cùng với công tác kiểm tra, giám sát chất lượng, huyện thường xuyên chú trọng việc lấy mẫu thực phẩm, xét nghiệm nhanh. Đến nay, huyện đã lấy tổng số 8.090 mẫu, trong đó có 600 mẫu không đạt yêu cầu; gửi xét nghiệm 10 mẫu, phát hiện 1 mẫu không đạt yêu cầu. Tuyến xã xét nghiệm nhanh 7.500 mẫu, trong đó có 752 mẫu không đạt yêu cầu. Đối với mẫu không đạt, huyện yêu cầu các chủ cơ sở khắc phục.

Tại thị xã Sơn Tây, Trưởng phòng Y tế thị xã Sơn Tây Phạm Hùng Sơn thông tin, từ đầu năm đến nay, thị xã đã chủ động giám sát phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Do đó, trên địa bàn không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm. Để làm được việc này, thị xã chủ động tổ chức hội nghị tuyên truyền văn bản mới, kiến thức an toàn thực phẩm, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan thông tin, truyền thông trên địa bàn về thực trạng công tác an toàn thực phẩm; công bố cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Công tác tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm được thực hiện đa dạng bằng nhiều hình thức, có sự phối hợp giữa UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân cùng vận động, giám sát an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, UBND thị xã bố trí kinh phí mua test xét nghiệm nhanh, lấy mẫu nước xét nghiệm xác định mối nguy trong công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Các đoàn kiểm tra liên ngành của thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát 2.160 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ghi nhận 1.962 cơ sở đạt yêu cầu, chiếm 90,8%; xử phạt vi phạm hành chính 31 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 250 triệu đồng. Các đoàn kiểm tra liên ngành của thị xã cũng đã tổ chức xét nghiệm nhanh 11.921 mẫu, trong đó có 11.141 mẫu đạt yêu cầu, bằng 93,4% (các mẫu không đạt do còn tinh bột ở dụng cụ ăn uống sau khi vệ sinh).

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, từ đầu năm đến nay, các địa phương đều làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn, nhà ăn tập thể, đối tượng theo phân cấp quản lý; xử lý nghiêm vi phạm, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn, thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc.

Không chủ quan, lơ là

Tiếp tục tích cực thực hiện công tác phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, tại Ba Vì, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đức Anh yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát, kiểm tra các hộ kinh doanh ăn uống đã được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Để hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống đường phố, huyện yêu cầu các cơ sở không được lơ là, chủ quan, cần thực hiện tốt quy định, quy trình chế biến thực phẩm, lưu mẫu, bảo đảm an toàn, chất lượng bữa ăn cho người dân. Các xã, thị trấn tăng cường phổ biến quy định mới về an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể; hướng dẫn phương pháp nhận diện nguyên liệu thực phẩm và thực hiện nghiêm túc các bước kiểm thực theo quy định. Lực lượng chức năng liên ngành của huyện thường xuyên tổ chức đợt kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý các bếp ăn tập thể, các hàng quán kinh doanh ăn uống không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho rằng, từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, để bảo đảm an toàn thực phẩm, các địa phương cần tổ chức tập huấn cho người tiêu dùng cách lựa chọn thực phẩm, nguyên tắc trong chế biến thực phẩm an toàn, cách xử lý khi nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, các cơ quan chức năng của huyện, UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định đối với cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không an toàn.

Bên cạnh đó, các địa phương cần làm tốt các mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm trên địa bàn; tổ chức giám sát, phát hiện trường hợp ngộ độc thực phẩm để xử lý, điều trị kịp thời; phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố trong điều tra, xử lý sự cố về an toàn thực phẩm trên địa bàn (nếu có); tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; yêu cầu các cơ sở công khai giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, bản cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, nguồn gốc thực phẩm, danh sách cơ sở cung cấp nguyên liệu thực phẩm... nhằm tạo nguồn cung thực phẩm sạch cho người tiêu dùng...