Quan hệ Anh - EU:Tìm kiếm tiến trình xích lại gần nhau
Trong kế hoạch xây dựng lại chiến lược thương mại dài hạn dự kiến công bố đầu năm 2025, Chính phủ Anh coi việc thiết lập lại mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) là một ưu tiên hàng đầu.
Ngày 22-10, Bộ trưởng Thương mại Anh Douglas Alexander đã khẳng định, cuộc bỏ phiếu rời khỏi EU năm 2016, hay còn gọi là Brexit, đã gây ra "sự gián đoạn đáng kể" đối với chính sách thương mại toàn cầu của nước này và cần phải hiệu chỉnh lại.
Tại cuộc gặp với Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala, Bộ trưởng Thương mại Anh Douglas Alexander cho biết, tăng trưởng kinh tế có "vai trò quan trọng" đối với sứ mệnh ổn định đất nước của Thủ tướng Keir Starmer. Brexit hiện vẫn để lại hậu quả nặng nề đối với cả hai phía. Trên thực tế, 47% trao đổi thương mại của Anh vẫn là với EU. Do đó, London coi việc thiết lập lại mối quan hệ thương mại với khối này là cấp thiết.
Những ngày gần đây, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã chịu nhiều áp lực về việc phải công bố tổn thất thực sự của quá trình Brexit sau khi Bộ trưởng Tài chính Tulip Siddiq xác nhận, “hóa đơn ly hôn” EU của Anh lên tới gần 24 tỷ bảng. Ngoài ra, London còn phải trả thêm khoảng 6,4 tỷ bảng để giải quyết các nghĩa vụ tài chính hiện có.
Trên thực tế, việc hàn gắn quan hệ với EU là một chủ trương mà Thủ tướng Keir Starmer theo đuổi ngay từ khi lên nắm quyền vào đầu tháng 7-2024. Ông cũng đã có cuộc hội đàm gồm nhiều nội dung quan trọng với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen hồi đầu tháng này, trong đó hai bên nhất trí cho rằng: “Mối quan hệ ổn định, tích cực và hướng tới tương lai nằm trong lợi ích chung của Anh - EU và tạo cơ sở cho sự hợp tác lâu dài”.
Chương trình nghị sự cho hợp tác song phương sẽ được thiết lập trong những tháng tới. Theo đó, hai bên sẽ cùng nhau xác định các lĩnh vực hợp tác mang lại lợi ích chung như kinh tế, năng lượng, an ninh và khả năng phục hồi, hoàn toàn tôn trọng các thủ tục nội bộ và đặc quyền của thể chế. Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa EU và Anh sau Brexit sẽ được tổ chức vào đầu năm sau.
Theo nhận định của nhiều nhà bình luận, việc Anh nối lại quan hệ với EU là cần thiết, nhất là trong bối cảnh đảng Lao động cầm quyền coi tăng trưởng kinh tế là ưu tiên hàng đầu. Mục tiêu này đã bị chệch hướng khi nền kinh tế Anh tăng trưởng thấp hơn dự báo trong quý II-2024. Những gì Chính phủ của Thủ tướng Keir Starmer đã làm cho thấy, Anh sẽ không yêu cầu đàm phán lại toàn bộ thỏa thuận Brexit, song nước này đang tìm cách điều chỉnh mối quan hệ nhằm đạt được đồng thuận với EU trong nhiều lĩnh vực và hướng tới một hiệp ước an ninh chung.
Tuy nhiên, con đường nối lại hợp tác sẽ có nhiều thách thức. Bởi vì, cả Anh và EU đều có những mục tiêu khác nhau trong các cuộc đàm phán. Anh tập trung vào hợp tác quốc phòng, nới lỏng kiểm tra an toàn thực phẩm và tạo ra thị thực đặc biệt cho các nghệ sĩ lưu diễn mà không tái gia nhập thị trường chung và liên minh thuế quan. Trong khi ngược lại, các yêu cầu của EU bao gồm hiệp ước luân chuyển thanh niên, hợp tác năng lượng và thực hiện đầy đủ các thỏa thuận hậu Brexit hiện có.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, đây là bước đi cần thiết, mang lại những lợi ích thiết thực cho cả hai bên.