Góc nhìn

Thêm nguồn lực xây nhà ở xã hội

Gia Khánh 24/10/2024 - 06:10

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu ngay trong tháng 10-2024 về gói tín dụng trị giá 30.000 tỷ đồng cho vay mua, thuê, xây dựng nhà ở xã hội.

Trong đó dự kiến, nguồn vốn sẽ gồm 15.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ và 15.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Gói tín dụng này được kỳ vọng sẽ là “đòn bẩy” cho Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" nói riêng và phân khúc nhà ở giá thấp trên thị trường bất động sản nói chung.

Thực tế, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp rất lớn, nhưng nguồn cung hạn chế bởi chủ đầu tư thiếu vốn giá rẻ để phát triển dự án và người lao động khó tiếp cận vốn tín dụng lãi suất thấp để thuê, mua nhà. Hiện nay, các ngân hàng thương mại đang triển khai gói tín dụng trị giá 140.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhưng theo thống kê mới nhất, tỷ lệ giải ngân mới đạt khoảng 1% (khoảng 1.344 tỷ đồng). Gói tín dụng này chưa thể thúc đẩy nhà ở xã hội là vì số dự án ít (34/63 tỉnh, thành phố mới công bố 78 dự án đủ điều kiện vay). Lãi suất cũng chưa hấp dẫn (7%/năm với chủ đầu tư và 6,5%/năm với khách hàng mua nhà), thời hạn vay ngắn (3-5 năm)...

Trong khi đó, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hoàn toàn khác gói 140.000 tỷ đồng vì từ nguồn ngân sách nên có thể chủ động hỗ trợ lãi suất tốt hơn và thời hạn cho vay có thể kéo dài hơn. Trước đó, giai đoạn năm 2013-2016, một gói tín dụng 30.000 tỷ đồng tương tự được triển khai đã phát huy hiệu quả, vừa kích thích thị trường khi đó đang rơi vào giai đoạn trầm lắng, vừa thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội, trở thành lực đẩy cho thị trường phục hồi.

Với nhà ở xã hội, nguồn vốn rẻ sẽ kích thích đầu tư tạo ra nguồn cung, tạo ra sản phẩm giá rẻ phù hợp với thu nhập của người lao động, người làm công hưởng lương… Nguồn cung nhà ở giá rẻ giúp thị trường khắc phục tình trạng mất cân đối, thừa nhà cao cấp chủ yếu phục vụ cho đầu cơ, thiếu nhà ở phù hợp với nhu cầu ở thực.

Với tầm quan trọng của nguồn vốn, các chuyên gia đề xuất, về lâu dài, Chính phủ cân nhắc việc phát hành trái phiếu với thời hạn từ 10 năm đến 30 năm, với lãi suất thấp để dùng phát triển nhà ở xã hội. Mặt khác, nghiên cứu cơ chế tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại với lãi suất thấp, khoảng 3%/năm, để các ngân hàng thương mại giảm chi phí, tham gia cho vay phát triển nhà ở xã hội với lãi suất khả thi (5%/năm trở xuống), đồng thời kéo dài thời hạn cho vay.

Nguồn vốn mới chỉ là một phần, phần quan trọng nữa là các địa phương bố trí quỹ đất; quy hoạch đồng bộ; xây dựng kế hoạch và đôn đốc triển khai kế hoạch phát triển nhà ở xã hội; cùng các bộ, ngành có giải pháp kiểm soát giá bất động sản. Đồng thời, có cơ chế mời gọi đầu tư thông thoáng, hỗ trợ tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư; nghiên cứu bố trí đủ hạ tầng đến hàng rào dự án…

Doanh nghiệp, ngân hàng, bên cạnh lợi nhuận nên tính đến trách nhiệm với xã hội; coi việc phát triển nhà ở xã hội và trách nhiệm với xã hội là cách xây dựng thương hiệu… Bằng cách là dành lợi nhuận, tiết giảm chi phí để tung ra gói tín dụng lãi suất thấp hỗ trợ dự án nhà ở xã hội và đối tượng mua nhà ở xã hội.

Tất cả cùng trách nhiệm, từ nghiên cứu thấu đáo, đề xuất cơ chế khả thi đến giải ngân kịp thời, thủ tục thông thoáng, tiến độ triển khai nhanh chóng, bảo đảm chất lượng. Có như vậy, mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội sẽ hoàn thành đúng kế hoạch, thị trường có thêm nhiều nguồn cung nhà giá rẻ, phù hợp nhu cầu số đông người dân.