Bộ Công Thương: Cấp thiết sửa đổi Luật Điện lực
Tại họp báo thường kỳ quý III-2024 của Bộ Công Thương, chiều 23-10, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Việt Hòa khẳng định, thời điểm này cần cấp thiết sửa đổi Luật Điện lực.
Theo ông Trần Việt Hòa, thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị quyết số 129 ngày 8-6-2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 25-9-2024, Chính phủ đã có Tờ trình số 520 và Tờ trình tóm tắt số 521 cùng hồ sơ dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trình Quốc hội.
Luật Điện lực được ban hành năm 2004 và được sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm 2012, 2018, 2022 và năm 2023.
Song nhiều quy định của Luật Điện lực hiện hành đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không giải quyết được các vấn đề mới, quan trọng phát sinh trong thực tiễn.
"Việc sửa đổi Luật Điện lực là rất cần thiết, cấp bách nhằm kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương mới của Đảng; đồng thời, khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần thúc đẩy ngành điện lực phát triển bền vững, hiệu quả, đạt mục tiêu tăng gấp đôi công suất đặt toàn hệ thống vào năm 2030…", ông Hòa nhấn mạnh.
Luật Điện lực (sửa đổi) được xây dựng với 6 chính sách lớn, bao gồm: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực; quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường; quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm; an toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 130 điều, giảm 1 chương và tăng 60 điều so với Luật Điện lực hiện hành.
Đáng chú ý, việc tăng các điều, khoản trong dự thảo Luật sử đổi chủ yếu là các quy định mới để mở đường cho việc phát triển mạnh mẽ tiềm năng năng lượng tái tạo của đất nước; phát triển thị trường điện cạnh tranh theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước; bổ sung quy định việc đầu tư xây dựng công trình điện khẩn cấp nhằm bảo đảm an ninh cung cấp điện và chế tài xử lý nghiêm các dự án điện chậm tiến độ.
Ông Hòa cũng cho biết, dự kiến Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Điện lực (sửa đổi) theo quy trình một kỳ họp, cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.