Chính trị

Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền

Hương Ly 23/10/2024 - 18:29

Tại Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, diễn ra sáng 23-10, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã có Tờ trình về bổ sung, sửa đổi Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy khóa XVII với nhiều đề xuất sửa đổi nhằm bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, ngay sau Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, ngày 7-12-2020, Thành ủy đã ban hành Quy chế làm việc số 01-QC/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy khóa XVII.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo trình bày Tờ trình. Ảnh: Viết Thành
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo trình bày Tờ trình. Ảnh: Viết Thành

Trong quá trình thực hiện, Thành ủy Hà Nội đã nhiều lần tiến hành sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố để phù hợp với định hướng chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ sau khi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được ban hành và để phù hợp với thực tiễn.

Ngày 28-6-2024, Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô, trong đó quy định nhiều nội dung mới mà Trung ương đã phân cấp, ủy quyền cho thành phố Hà Nội. Căn cứ tình hình thực tiễn sau hơn một năm triển khai thực hiện Quy chế số 09-QC/TU của Thành ủy, cần tiếp tục sửa đổi Quy chế nhằm bảo đảm mục tiêu đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, cải cách hành chính trong Đảng.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cũng cho biết, việc sửa đổi Quy chế số 09-QC/TU của Thành ủy nhằm bảo đảm sự thống nhất giữa các quy chế, quy định của Trung ương và thành phố; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ thành phố; bảo đảm Đảng lãnh đạo toàn diện nhưng không làm thay chính quyền.

Việc sửa đổi cũng nhằm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; tăng cường tính chủ động trong giải quyết công việc của chính quyền theo thẩm quyền và quy định; tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong Đảng; bảo đảm thực chất, hiệu quả, tránh lãng phí thời gian, nguồn lực, tạo chủ động hơn nữa trong xử lý các công việc của thành phố...; đồng thời hướng tới mục tiêu thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ theo tinh thần Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy.

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua Chương trình hội nghị. Ảnh: Viết Thành
Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

Tại Tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy đã đề xuất một số nội dung sửa đổi đối với các lĩnh vực: Kinh tế - xã hội; quy hoạch; đầu tư; nhiệm vụ, quyền hạn của các đồng chí Thường trực Thành ủy.

Trong đó, Tờ trình đã đề xuất sửa đổi quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thường vụ Thành ủy. Cụ thể, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ xem xét, cho ý kiến về những chủ trương lớn để củng cố, xây dựng quan hệ sản xuất, phát triển lực lượng sản xuất; những cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô chưa được quy định tại Luật Thủ đô để kiến nghị với Trung ương…

Ban Thường vụ Thành ủy cũng đề xuất đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Đảng đoàn HĐND thành phố xem xét, cho ý kiến đối với việc điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của thành phố mà không làm thay đổi tổng nguồn vốn đầu tư trung hạn, hằng năm đã được cân đối và cơ cấu đầu tư cho các lĩnh vực trong kế hoạch trung hạn và hằng năm.

Liên quan đến công tác quy hoạch, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ xem xét, cho chủ trương trước khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định đối với các đồ án quy hoạch các thành phố thuộc Thủ đô; quy hoạch đô thị vệ tinh; quy hoạch thị xã; quy hoạch xây dựng vùng huyện, vùng liên huyện; quy hoạch các khu chức năng cấp quốc gia, cấp vùng thuộc Thủ đô gồm khu công nghệ cao, khu chế xuất, khu văn hóa, di tích lịch sử, du lịch, cảng hàng không, khu vực đầu mối hạ tầng kỹ thuật…