Thị trường

Hà Nội tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu nguyên liệu cho ngành hàng thủ công mỹ nghệ

Thanh Hiền 23/10/2024 - 11:38

Sở Công Thương Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu nguyên liệu đầu vào cho ngành thủ công mỹ nghệ giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2024.

Nguyên liệu ngày càng khan hiếm

Ông Vương Đình Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) cho biết, Hà Nội được ví là “đất trăm nghề” và có nhu cầu rất cao về nguồn nguyên liệu, trong khi đó, do đặc thù là Thủ đô, diện tích sản xuất có hạn nên nguyên liệu cơ bản phải nhập từ địa phương khác.

bai1-anhtcmn1.jpg
Các đại biểu cùng lãnh đạo ngành Công Thương tham quan khu trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Theo số liệu khảo sát mới nhất của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, tại các huyện tập trung nhiều làng nghề thuộc các nhóm ngành như: Gốm sứ, sơn mài, mây tre đan và đồ gỗ, trung bình một năm các làng nghề mây tre đan Hà Nội tiêu thụ khoảng 6.800 tấn nguyên liệu các loại. Trong đó, trung bình một doanh nghiệp tiêu thụ khoảng 50 tấn nguyên liệu/tháng; hộ gia đình tiêu thụ khoảng 20 tấn nguyên liệu/tháng. Các làng nghề gốm sứ tiêu thụ khoảng 620.000 tấn nguyên liệu, chủ yếu là đất sét và cao lanh; các làng nghề sơn mài khoảng 4.000 tấn; làng nghề gỗ khoảng trên 1.000.000m³ gỗ.

Nguyên liệu có vai trò quan trọng đến sự phát triển bền vững đối với các làng nghề. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nguyên liệu tự nhiên đang bị suy giảm, thậm chí cạn kiệt do khai thác quá mức, thiếu tổ chức. Các vùng nguyên liệu nuôi trồng tập trung thiếu quy hoạch, bị thu hẹp do phải cạnh tranh với các loại cây trồng khác và chịu áp lực về đất đai của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Hầu hết các làng nghề đều thiếu nguyên liệu tại chỗ, phải thu mua từ nơi khác đến hoặc nhập khẩu, khiến giá thành sản phẩm tăng, sức cạnh tranh giảm.

Tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đã diễn ra trên diện rộng trong những năm gần đây do nhu cầu sản xuất, chế biến sản phẩm tăng cao, trong khi các vùng nguyên liệu ngày càng bị thu hẹp đang ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và thu nhập của người dân làng nghề, đặc biệt là khó bảo đảm lượng hàng cho xuất khẩu. Chia sẻ về khó khăn này, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ), cho biết, hiện nguyên liệu mây tre lá cỏ tại Hà Nội chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu cần sử dụng nguyên liệu của thị trường. Thêm vào đó, thông tin hai chiều kết nối giữa người sản xuất và người cung ứng nguyên liệu đầu vào còn hạn chế, dẫn đến việc nguồn cung không đáp ứng cầu. Khan hiếm của nguyên liệu khiến giá thành nguyên liệu tăng cao, tăng chi phí sản xuất sản phẩm, gây khó khăn cho các doanh nghiệp và người sản xuất.

“Để chủ động khắc phục khó khăn, các doanh nghiệp phải tự đi tìm những vùng nguyên liệu để tổ chức thu mua, hướng dẫn kỹ thuật khai thác và xử lý, bảo quản nguồn cung nguyên liệu bảo đảm phục vụ quá trình sản xuất”, ông Nguyễn Văn Trung chia sẻ.

Tương tự, tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều địa phương. Ông Lê Bá Ngọc, Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam phân tích, nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm và giá nguyên liệu tăng nhanh trong khi giá xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ lại khó tăng. Ví dụ ngành gốm sứ, giá đất sét tăng trên 90% trong 5 năm gần đây, giá cao lanh cũng tăng 75%... Do giá nguyên liệu tăng cao nên lợi nhuận của các doanh nghiệp gốm sứ ngày càng giảm.

Đẩy mạnh liên kết các địa phương

Để hỗ trợ các làng nghề phát triển bền vững, thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh hợp tác liên kết các địa phương, các nước bạn nhằm tạo vùng nguyên liệu, đồng thời xây dựng chuỗi các sản phẩm du lịch làng nghề...

Theo Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu có từ 6 đến 10 nhóm hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Hà Nội được xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường nước ngoài; đồng thời, nâng tỷ trọng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ chiếm 3-5% trong tỷ trọng xuất khẩu của thành phố.

bai1-anhtcmn2.jpg
Các đại biểu cùng lãnh đạo ngành Công Thương tham quan khu trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Để ngành thủ công mỹ nghệ phát triển bền vững và đạt mục tiêu theo Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 thành phố đề ra, bên cạnh công tác phát triển sản phẩm, xúc tiến thương mại… thì việc phát triển vùng nguyên liệu bền vững là vấn đề mang tính quyết định.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội Vương Đình Thanh cho biết, được sự chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội chủ trì phối hợp với Cục Công Thương địa phương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu nguyên liệu đầu vào ngành thủ công mỹ nghệ giữa doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành phố gặp gỡ, tìm kiếm đối tác cung cấp nguyên liệu, gia công bán thành phẩm ổn định, lâu dài, có chất lượng.

Để gỡ khó cho việc cung ứng nguồn nguyên liệu phát triển làng nghề, ông Vương Đình Thanh cũng đề nghị, các cấp, ngành chức năng cần hoàn thiện các chính sách về đất đai, vùng nguyên liệu như khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân trong việc cho thuê đất, tích tụ đất đai để phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ sản xuất. Đồng thời, định hướng phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định để cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề; hỗ trợ phát triển nguồn nguyên liệu có chứng chỉ bền vững, phù hợp với chuẩn quốc tế và nguồn nguyên liệu thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Đồng thời, điều chỉnh giảm giá thuê đất đối với các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn trong các cụm công nghiệp, vùng nguyên liệu sản xuất tập trung phục vụ sản xuất.

Về phía các doanh nghiệp lớn, cần đầu tư liên kết với nông dân xây dựng, phát triển các chuỗi sản xuất tập trung từ việc trồng, thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ; tang cường đầu tư cho khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản.