Dùng nước ion kiềm để chữa bệnh: Cẩn thận kẻo "rước họa vào thân”
Nước ion kiềm được quảng cáo như một loại "nước thần" có thể chữa bách bệnh. Thế nhưng, thời gian gần đây, các bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp rơi vào tình trạng “thập tử nhất sinh” do chữa bệnh bằng phương pháp chưa được khoa học kiểm chứng này.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên tự ý bổ sung, điều trị bệnh bằng nước ion kiềm để tránh “rước họa vào thân”.
Suýt mất mạng do “nước thần”
Thời gian vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận các ca ngộ độc, thậm chí khó thở, hôn mê bất tỉnh do uống nước ion kiềm được quảng bá có khả năng chữa bách bệnh. Đơn cử, bà P.T.M (60 tuổi, ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng mệt lả, chân tay bủn rủn, nôn ra dịch dạ dày, dịch mật... Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) với chẩn đoán ngộ độc nước kiềm, nhiễm kiềm chuyển hóa, hạ kali.
Bà P.T.M cho biết, do có nhiều bệnh lý dạ dày, tá tràng, đại tràng, u tuyến giáp, tê bì tay chân… nên khi nghe người làng truyền tai nhau về địa chỉ uống “nước” chữa bách bệnh ở gần nhà bà đã tìm đến và xin được chữa trị. Theo hướng dẫn, hằng ngày, bà sẽ phải uống tối thiểu khoảng 5-6 lít nước lấy từ máy lọc, có thể pha thêm 1 chút muối và uống trong khoảng 10-15 ngày. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 5 ngày uống loại nước này và nhịn ăn, bà M đã không thể đứng vững, bắt đầu nôn liên tục, phải nhập viện cấp cứu.
Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận chùm ca bệnh với 3 bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng bị rối loạn ý thức, suy hô hấp, tổn thương cơ tim nặng, phù phổi cấp do tìm đến một địa chỉ ở huyện Thanh Oai để uống “nước thần” với cách thức giống như bệnh nhân M nói trên.
Tương tự, nam bệnh nhân N.V.S (41 tuổi, ở Bắc Giang) được đưa đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương trong tình trạng suy kiệt nghiêm trọng, nguy hiểm tới tính mạng. Trước đó, vì có tiền sử viêm phế quản mạn tính, bệnh nhân S được người quen giới thiệu tới một thầy lang để chữa bệnh. Tại đây, bệnh nhân được hướng dẫn chỉ uống nước ion kiềm pha muối để “thanh lọc cơ thể” trong suốt 26 ngày, tuyệt đối không sử dụng loại thực phẩm nào khác. Đến ngày thứ 18, bệnh nhân rơi vào tình trạng suy kiệt, sốt cao gần 40 độ C…
Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định, việc uống quá nhiều nước bình thường như nước lọc hay nước đun sôi để nguội trong 1 ngày, kể cả với người khỏe mạnh cũng đã rất nguy hiểm, có thể gây phù thũng, phù phổi, pha loãng máu, hạ natri máu, phù não, hôn mê, co giật và tử vong, chứ chưa nói đến sử dụng lượng lớn nước kiềm. Việc uống nhiều nước kiềm ngoài gây thừa nước còn gây thay đổi độ pH của máu, gây nhiễm kiềm chuyển hóa.
“Môi trường máu của cơ thể có độ pH duy trì ổn định là 7,35-7,45. Chỉ số này cho phép nhiều chất trong cơ thể di chuyển và hoạt động, giúp cho các phản ứng hấp thu, chuyển hóa… Khi có thay đổi về độ pH của máu, cơ thể sẽ bị rối loạn và phát sinh nhiều bệnh. Việc uống nhiều nước kiềm sẽ khiến độ pH của cơ thể tăng lên, gây rối loạn cảm giác, hôn mê, hạ kali máu, có thể dẫn tới bị loạn nhịp tim, liệt, thậm chí tử vong”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.
Không tùy tiện chữa bệnh theo “tin đồn”
Trong khi đó, việc quảng cáo nước ion kiềm như một loại "nước thần" có thể chữa bách bệnh xuất hiện khá nhiều trên các trang mạng xã hội. Chỉ cần gõ từ khóa “nước ion kiềm” trên công cụ tìm kiếm, hàng loạt các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, website có bài viết quảng cáo về công dụng "thần kỳ" của loại nước này.
Trên mạng xã hội Facebook, tài khoản E.X quảng cáo nước ion kiềm cung cấp cho cơ thể khoáng chất, thanh lọc từ bên trong để tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ phòng ngừa bệnh tật, giúp cải thiện hệ tiêu hóa, làm đẹp da... Thậm chí, nước ion kiềm còn có công dụng giúp giải rượu. “Nước ion kiềm giàu hydrogen với các cụm phân tử nước siêu nhỏ, dễ dàng thẩm thấu nhanh vào từng tế bào cấp nước bù khoáng, trả lại cho bạn một cơ thể tỉnh táo như chưa hề có kèo nhậu say nào”, tài khoản này giới thiệu.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, máy tạo ra nước ion kiềm loại bình dân có giá bán khoảng 6-8 triệu đồng. Những sản phẩm nhập khẩu từ một số nước như: Nhật Bản, Mỹ, Đức… được rao bán từ 40 đến 80 triệu đồng, thậm chí lên tới hơn 100 triệu đồng.
Trước thực trạng này, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) bày tỏ lo ngại khi nhiều người vẫn tin vào những cách trị bệnh “truyền miệng”. Trong khi thực tế là chưa có bằng chứng khoa học tin cậy chứng minh những công dụng của nước ion kiềm như quảng cáo.
Còn Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh: “Khi nghi ngờ có bệnh, người dân cần đến thăm khám ở các cơ sở y tế có chuyên môn; tuyệt đối không tùy tiện uống quá nhiều bất kỳ một loại nước nào đó để tránh gây nguy hiểm cho cơ thể. Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường cảnh báo, điều tra và xử lý nghiêm những cơ sở quảng cáo sai sự thật gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân”.