Nông nghiệp

Đông Anh chú trọng chuỗi sản xuất rau sạch chất lượng cao

Đỗ Minh 23/10/2024 - 07:44

Đông Anh là “vựa” rau an toàn lớn nhất của thành phố Hà Nội và hầu hết các mô hình sản xuất rau ở đây đều đạt tiêu chuẩn về an toàn. Để phát triển bền vững, những năm qua, các vùng rau đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tạo ra những chuỗi sản xuất rau an toàn, VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao.

cham-soc-rau-an-toan-tai-xa.jpg
Chăm sóc rau an toàn tại xã Vân Nội (huyện Đông Anh). Ảnh: Đỗ Phong

Vân Nội là một trong những xã trồng nhiều rau an toàn của huyện Đông Anh. Rau an toàn tại Vân Nội được phân phối khắp thành phố và một số tỉnh, thành phố lân cận. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Tây (thôn Đông Tây, xã Vân Nội, huyện Đông Anh) Trần Văn Quân thông tin, hợp tác xã có 23ha rau với nhiều loại rau sạch như cải canh, cải ngồng, cải chíp và các loại rau ăn lá khác. Sản phẩm của hợp tác xã được tiêu thụ tại bếp ăn trong khu công nghiệp, bếp ăn trường học...

Bà Trần Thị Tình, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Tây cho biết, sản xuất rau an toàn theo chuỗi khép kín, người trồng phải tuân thủ nghiêm từ nguồn giống đến quy trình gieo trồng, thu hoạch... Sản phẩm sau thu hoạch cũng được bao tiêu nên nông dân yên tâm sản xuất.

Nằm ở vùng rau trọng điểm của xã Vân Nội, Hợp tác xã Ba Chữ chọn lựa xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ. Theo Giám đốc Hợp tác xã Ba Chữ Nguyễn Thị Huyền, hợp tác xã có gần 150 thành viên đang cùng phát triển mô hình vừa sản xuất, vừa kinh doanh trên diện tích hơn 35ha, mỗi ngày cung cấp ra thị trường từ 7 đến 10 tấn rau, củ, quả các loại. Hợp tác xã có 11 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao, bao gồm rau cải chíp, cải ngồng, cải xanh, cải bó xôi, rau mùng tơi, xà lách xoăn, rau muống… Đặc biệt, mô hình sản xuất rau hữu cơ của hợp tác xã đạt tiêu chuẩn PGS (Participatory Guarantee System).

“PGS là một hệ thống bảo đảm cùng tham gia của các hộ, nhóm hộ, liên nhóm hộ giám sát chéo nội bộ theo hệ thống. Hệ thống này bảo đảm chứng thực cho người sản xuất dựa trên sự tham gia tích cực của các bên liên quan, gồm người tiêu dùng, công ty phân phối, cơ quan quản lý nhà nước và các đối tượng quan tâm khác. Các hộ tham gia mô hình sản xuất PGS đều thực hiện tốt việc ghi chép nhật ký sản xuất. Từng sản phẩm rau được nông dân ghi lại một cách tỉ mỉ quá trình chăm bón theo tiêu chuẩn. Các loại rau bán cho đơn vị thu mua đều được hợp tác xã giữ lại mẫu và cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm, nếu xảy ra vấn đề về mất an toàn thực phẩm. Do đó, các loại rau của hợp tác xã luôn nhận được sự tin tưởng của khách hàng, lượng rau bán ra thị trường tương đối ổn định”, bà Nguyễn Thị Huyền chia sẻ.

Không riêng Vân Nội, toàn huyện Đông Anh hiện có hơn 800ha rau tập trung, trong đó 600ha được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn; 12 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sơ chế rau an toàn với diện tích nhà sơ chế 776m2; 2 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP; 35 hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, rau hữu cơ.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà cho hay, những năm qua, nông dân Đông Anh đã chủ động chuyển đổi sang sản xuất rau an toàn, các vùng rau của huyện đều tuân thủ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quy định, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Các mô hình sản xuất rau theo chuỗi của Đông Anh đã thành công và mở hướng đi đúng trong nông nghiệp sạch và bền vững, cho hiệu quả từ 300 đến 500 triệu đồng/ha/năm, tùy từng mô hình sản xuất, canh tác...

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng cho biết, Đông Anh tập trung vào các mô hình kinh tế nông nghiệp xanh, sạch và dịch vụ nông nghiệp. Xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm sản xuất phải bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân nên huyện sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ rau an toàn, phát triển các vùng sản xuất rau an toàn tập trung. Căn cứ vào quy hoạch, huyện xây dựng vùng sản xuất gắn với đầu tư xây các khu sơ chế rau, nhà lạnh bảo quản, sản xuất áp dụng công nghệ cao.

Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ các hợp tác xã, chủ thể sản xuất rau an toàn xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, đẩy mạnh kết nối và hình thành chuỗi sản xuất khép kín, hiệu quả.