Chủ động từ sớm, từ xa
Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Đây là quãng thời gian ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng như các địa phương tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để cung ứng đủ lượng lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu lớn nhất trong năm.
Hiện nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang tập trung nguồn lực khôi phục nhanh sản xuất nông nghiệp sau bão số 3. Trong đó, để gia tăng giá trị sản xuất vụ đông, ngành Nông nghiệp Hà Nội cùng các địa phương, đơn vị tập trung vào sản xuất nguồn giống ngắn ngày, chất lượng cao, đặc biệt là phát triển hệ thống các chuỗi sản xuất, quy trình quản lý chất lượng.
Đáng chú ý là sau thiệt hại lớn bởi bão số 3, Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục cũng như hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả và nhanh nhất. Vì vậy, đến nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố đang dần ổn định. Những diện tích cây trồng bị thiệt hại đã được các địa phương và bà con nông dân kịp thời gieo trồng cây rau màu phù hợp và đã, đang cho thu hoạch. Trong khi đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản phát triển, cung cấp ổn định thực phẩm cho thị trường tiêu dùng Thủ đô.
Ngoài tập trung vào sản xuất, việc dự trữ, lưu thông hàng hóa, lương thực, thực phẩm phục vụ thị trường cuối năm cũng được thành phố đặc biệt quan tâm. Bên cạnh tăng cường sản xuất tại chỗ, Hà Nội đã, đang tăng cường kết nối lưu thông hàng hóa giữa Thủ đô và các địa phương trong cả nước.
Theo dự kiến của ngành chức năng, dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, thành phố Hà Nội sẽ cung ứng đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm cho nhân dân Thủ đô.
Tuy vậy, để chủ động từ sớm, từ xa, Hà Nội tiếp tục gia tăng sản xuất, chủ động sản xuất theo nhu cầu thị trường trong những tháng cuối năm, qua đó tạo đột phá cho tăng trưởng của ngành Nông nghiệp, đồng thời bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô. Thành phố cũng tăng cường kết nối thị trường nhằm bảo đảm đầu ra cho nông sản, gia tăng giá trị từ lưu thông hàng hóa; duy trì tốt các chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Cùng với đẩy mạnh sản xuất, ngành chức năng và các địa phương, đơn vị cần làm tốt chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu; tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là theo dõi, đánh giá sát diễn biến thị trường, cung - cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu dẫn đến tăng giá đột biến, đặc biệt đối với các nhóm hàng thiết yếu.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố cần đẩy mạnh tổ chức sản xuất, kinh doanh dự trữ đầy đủ nguồn hàng theo dự báo, nhất là mặt hàng lương thực, thực phẩm, bảo đảm chất lượng, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, chương trình kích cầu tiêu dùng và tổ chức các điểm bán hàng phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân.
Một vấn đề cần lưu tâm nữa là ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ... Cùng với đó, đẩy mạnh các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, các thủ đoạn gian lận đo lường để tăng giá thu lợi bất chính theo đúng quy định của pháp luật.