Thế giới

BRICS có khả năng tham gia giải quyết các xung đột lớn

Thương Nguyệt 22/10/2024 - 22:33

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS) có thể tham gia giải quyết các xung đột lớn vì khối này đã chứng minh được khả năng vượt qua những thách thức khó khăn, Chủ tịch Diễn đàn quốc tế BRICS Purnima Anand cho biết.

“BRICS thực sự đã có thể chứng minh hiệu quả ở cấp độ quản lý và kinh tế”, Chủ tịch Purnima Anand trả lời TASS về khả năng của khối này trong việc đóng vai trò quan trọng để giải quyết các xung đột lớn.

Theo quan chức này, xét đến việc các hiệp hội hội nhập phương Tây đang rơi vào tình thế khó khăn và Liên hợp quốc “cần cải cách”, BRICS trở thành một giải pháp thay thế ngày càng có lợi cho nhiều quốc gia.

BRICS được thành lập vào năm 2006 bởi Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, trước khi Nam Phi gia nhập năm 2011. Ngày 1-1-2024, Ai Cập, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ả Rập Xê Út và Ethiopia đã trở thành thành viên chính thức của khối.

Cũng ngay trong tháng 1-2024, Nga đã tiếp quản cương vị chủ tịch kéo dài 1 năm của BRICS. Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 diễn ra tại Kazan từ ngày 22 đến 24-10 là sự kiện chủ chốt của khối trong nhiệm kỳ chủ tịch của Nga.

brics2024.jpg
Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra tại Kazan (Nga) từ ngày 22 đến 24-10. Ảnh: Reuters

Tổng thống Nga Putin bắt đầu công việc tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS khai mạc hôm nay (22-10). Trong ngày, nhà lãnh đạo Nga sẽ hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi.

Tổng thống Putin cũng sẽ có cuộc thảo luận với với Chủ tịch Ngân hàng phát triển mới (NDB) Dilma Rouseff. Đây sẽ là cuộc gặp thứ ba giữa ông chủ Điện Kremlin với cựu Tổng thống Brazil sau khi bà nhậm chức tại NDB hồi năm 2023.

Tại hội nghị với phương châm “Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển và an ninh toàn cầu công bằng”, các nhà lãnh đạo BRICS sẽ trao đổi quan điểm về những vấn đề thời sự trong chương trình nghị sự toàn cầu và khu vực, thảo luận về 3 lĩnh vực hợp tác chính do Nga đề xuất, bao gồm: Chính trị và an ninh, kinh tế và tài chính, văn hóa và nhân đạo.

Điện Kremlin cho biết, sự chú ý đặc biệt sẽ được dành cho khả năng mở rộng BRICS thông qua kế hoạch thành lập cơ chế “quốc gia đối tác” mới.