Hà Nội kết nối

Thành phố Hồ Chí Minh chưa có công trình xanh đúng nghĩa

Hà Phạm 22/10/2024 - 19:25

Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến phát triển xanh, trở thành thành phố xanh và có một nền kinh tế xanh, phát triển thành đô thị bền vững mang tính toàn cầu, nhưng hiện mới chỉ khuyến khích, chưa bắt buộc thực hiện.

a.m.jpg
Hội thảo “Xây dựng và Công trình xanh” trong khuôn khổ Diễn đàn và triển lãm Kinh tế xanh GEFE năm 2024. Ảnh: EuroCham Việt Nam

Ngày 22-10, tại thành phố Hồ Chí Minh, diễn ra Hội thảo “Xây dựng và Công trình xanh” trong khuôn khổ Diễn đàn và triển lãm Kinh tế xanh GEFE năm 2024 do Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) cùng với Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam (Bộ Công Thương) tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng (Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Thanh Xuyên cho biết, ngành xây dựng thành phố coi công trình xanh như một xu hướng tất yếu trong phát triển hạ tầng xây dựng, góp phần đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị COP26.

Mặc dù giai đoạn năm 2014-2015, thành phố Hồ Chí Minh đã có chiến lược về thúc đẩy phát triển công trình xanh (ban hành một số quy chế về quản lý kiến trúc, bao gồm ưu đãi về tăng hệ số sử dụng đất cho các công trình thân thiện với môi trường), nhưng lại không quy định rõ tiêu chí để xác định thế nào là công trình thân thiện với môi trường nên không thể triển khai.

Đến giai đoạn năm 2017-2018, Sở Xây dựng thành phố đã soạn thảo quy định nếu công trình đạt được một trong bốn chứng nhận công trình xanh, gồm: Lotus, Leed, Edge hoặc Green Mark thì chủ đầu tư sẽ nhận được ưu đãi tăng hệ số sử dụng đất lên 1 mức.

am1.jpg
Hội thảo thu hút đông đảo đại biểu, khách mời. Ảnh: EuroCham Việt Nam

Thế nhưng, khi Sở trình lên các cấp có thẩm quyền thì phát hiện còn nhiều vấn đề khiến quy định chưa thể ban hành được, chủ yếu do hệ thống pháp lý của Việt Nam chưa công nhận bất cứ một chứng chỉ, chứng nhận công trình xanh quốc tế nào, quy định do đó bị “treo” đến nay.

Có thể nói, tại thành phố Hồ Chí Minh, công trình xanh chỉ dừng ở mức độ khuyến khích thực hiện chứ không bắt buộc. Thành phố và nhiều địa phương trên cả nước vẫn đang chờ những quy định pháp luật mới cho công trình xanh.

Về định hướng, theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Kiến trúc (thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Anh Tuấn, thành phố lựa chọn phát triển xanh là chiến lược phát triển trong tương lai, trở thành thành phố xanh và có một nền kinh tế xanh, hướng đến phát triển thành đô thị bền vững mang tính toàn cầu.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng hướng đến phát triển nhiều loại hình đô thị dành cho những khu vực khác nhau, từ đó thu hút dự án, đặt kế hoạch chuyển đổi thành công trình xanh sau này; trong đó, thành phố tập trung phát triển mô hình “Khu đô thị nông nghiệp” tại khu vực ngoại thành thành phố.

Theo các đại biểu tham dự, việc triển khai công trình xanh nói chung luôn gặp nhiều thách thức về việc gia tăng chi phí đầu tư xây dựng khiến một số nhà đầu tư e ngại. Tuy nhiên, chi phí trên thực tế không hề lãng phí, mà việc đầu tư cho tương lai vào hệ thống trang thiết bị công trình, cho hiệu quả vận hành của tòa nhà, các giải pháp này thường có thời gian hoàn vốn trong khoảng 3 - 5 năm.

Công trình xanh nếu được thiết kế tốt từ ban đầu, định lượng theo các tiêu chuẩn xanh sẽ mang lại giá trị cao hơn cho công trình, giảm chi phí vận hành và gia tăng khả năng chuyển nhượng công trình. Khi công trình đảm bảo được các điều kiện về tiện nghi nhiệt, ánh sáng tự nhiên, thông thoáng tự nhiên thì năng suất lao động và sức khỏe của cư dân cũng sẽ được nâng cao.

Về giải pháp phát triển công trình xanh trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, các chủ đầu tư trong khâu thiết kế cần tính đến vấn đề cân đối giữa chi phí và hiệu quả sử dụng năng lượng trong vòng đời của một công trình, bởi chi phí xây dựng công trình xanh thường cao hơn từ 3 - 10% so với công trình bình thường.

Bên cạnh đó, nhà nước cần khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai các công trình xanh bằng những tiêu chí, quy định cụ thể; công nhận những chứng chỉ, chứng nhận công trình xanh có giá trị quốc tế. Ngoài ra, cần điều chỉnh cơ chế, chính sách, nhất là đơn giá định mức để tăng số lượng công trình xanh từ vốn đầu tư công.