Kinh tế

Hà Nội: Xây dựng các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội sát thực tiễn, khả thi

Vũ Thủy 22/10/2024 - 18:36

Ngày 22-10, Đoàn giám sát của HĐND thành phố Hà Nội do Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên làm Trưởng đoàn đã làm việc với các sở thuộc khối văn hóa - xã hội và các ban quản lý dự án, đơn vị sự nghiệp của thành phố về việc thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 23-9-2021 của HĐND thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà dự buổi làm việc với các sở thuộc khối văn hóa - xã hội.

3(1).jpg
Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội báo cáo với đoàn giám sát. Ảnh: Lê Hải

Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia là 73,9%

Làm việc với khối văn hóa - xã hội (gồm các Sở: Văn hóa - Thể thao, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội), đoàn giám sát ghi nhận, năm 2023, tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu "Tổ dân phố văn hóa" đạt 73,5% (kế hoạch 75%); tỷ lệ thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu "Thôn, làng văn hóa" đạt 64% (kế hoạch 65%); tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu "Gia đình văn hóa" đạt 88% (kế hoạch 85-88%); tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 73,9% (năm 2021 là 76,9% - tiêu chí cũ; kế hoạch đến hết năm 2025 là 80-85%)...

4.jpg
Đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo với đoàn giám sát. Ảnh: Lê Hải

Về tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 70,25% năm 2021 lên 73,2% năm 2023 (mục tiêu cuối năm 2025 là 75-80%). Theo chuẩn nghèo đa chiều của thành phố giai đoạn 2022-2025, đầu năm 2022 có 3.612 hộ nghèo (tỷ lệ 0,16%); đầu năm 2023 còn 2.134 hộ nghèo (tỷ lệ 0,095%), đến nay còn 690 hộ nghèo (tỷ lệ 0,031%), mục tiêu cuối năm 2025 là 0%)...

2(1).jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lê Hải

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà cho rằng, các chỉ tiêu đặt ra cần được đánh giá một cách thực chất để từ đó đo lường được giải pháp đưa ra hằng năm có chuyển biến, đạt kết quả và chuyển biến trong xã hội như thế nào, phải đánh giá được thực chất, chứng minh được hiệu quả khi thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà đề nghị các sở, ngành cần tiếp thu toàn bộ ý kiến đoàn giám sát nêu, rà soát lại toàn bộ khi quy định có thay đổi để tham mưu, báo cáo UBND thành phố cập nhật hoặc sửa đổi quy định cho phù hợp thực tế.

Phát biểu tổng hợp buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên đánh giá, kết quả đến thời điểm này cho thấy, các sở thuộc khối văn hóa - xã hội đã rất chủ động, nghiêm túc triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND thành phố về chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Tuy nhiên, qua thảo luận cũng cho thấy, các chỉ tiêu dù cơ bản đã đạt và một số chỉ tiêu hoàn thành vượt mức, nhưng cần đánh giá thực chất hơn, từ đó có những đề xuất để xây dựng chỉ tiêu của nhiệm kỳ sau sát thực tiễn, khả thi. Đồng chí Phạm Quí Tiên yêu cầu các sở, ngành cần phân loại rõ những chỉ tiêu nào cần tiếp tục ở giai đoạn sau, chỉ tiêu nào cần đưa vào hay chỉ tiêu nào cần tập trung hơn, từ đó, tham mưu thành phố trong xây dựng kế hoạch 5 năm giai đoạn tới.

1(2).jpg
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lê Hải

Cần làm rõ tồn tại, khó khăn trong triển khai thực hiện các dự án

Làm việc với khối các ban quản lý dự án và đơn vị sự nghiệp của thành phố (Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố; Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long), đoàn giám sát HĐND thành phố nhận định, các đơn vị đã tích cực triển khai thực hiện các dự án được giao làm chủ đầu tư.

Trong đó, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội đã hoàn thành và vận hành 1 tuyến đường sắt Cát Linh - Yên Nghĩa; đang thực hiện 2 tuyến gồm đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (tuyến 3.1) và tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (tuyến 2.1)...

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố được giao thực hiện 61 dự án (32 dự án nông nghiệp và 29 dự án thoát nước). Lũy kế giải ngân từ năm 2021-2024 là 5.078/6.605 tỷ đồng (đạt 77% kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2024).

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố đã lập trình phê duyệt chủ trương đầu tư 57 dự án, trong đó đã phê duyệt dự án đầu tư đối với 37 dự án. Đã triển khai thi công đối với 34 dự án; lập trình, phê duyệt quyết toán đối với 27 dự án trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và 29 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước...

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố đã hoàn thành 32 dự án trong giai đoạn 2021-2023. Trong năm 2024, dự kiến hoàn thành thêm 9 dự án và năm 2025, tiếp tục hoàn thành 12 dự án...

Với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long, thu ngân sách năm 2023 là 16,225 tỷ đồng (đạt 221,9% kế hoạch thành phố giao). Tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng năm 2024 đạt 22,391 tỷ đồng (đạt 154% kế hoạch thành phố giao); thu phí, lệ phí ước thực hiện 21,500 tỷ đồng (đạt 148% kế hoạch thành phố giao).

Bên cạnh việc ghi nhận các kết quả trên, đoàn giám sát cũng chỉ ra một số tồn tại, khó khăn của các đơn vị trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Trong đó, công tác triển khai thủ tục đầu tư nhìn chung còn chậm; việc thực hiện giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư còn nhiều vướng mắc; tỷ trọng vốn giao kế hoạch hằng năm còn thấp so với kế hoạch trung hạn đã cân đối và tiến độ giải ngân so với yêu cầu chậm...

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên đánh giá các ý kiến trao đổi của thành viên đoàn giám sát, lãnh đạo các sở, ngành thành phố và UBND các quận, huyện tại buổi làm việc rất tập trung, trên tinh thần thẳng thắn, qua đó, thể hiện kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện.

Để có được bức tranh tổng thể về tình hình thực hiện đầu tư công của thành phố, đồng chí Phạm Quí Tiên đề nghị Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố cần lập các biểu chi tiết với từng công đoạn, các bước của quá trình đầu tư để làm sao đánh giá được từng bước các dự án triển khai như thế nào, trong đó có bình quân chung về thời gian thực hiện để đánh giá được bước nào nhanh, chậm. Bên cạnh đó, cũng cần đánh giá về nguyên nhân khách quan, chủ quan; rút ra được những điểm cần cải thiện, tháo gỡ, trên cơ sở đó có giải pháp thực hiện trong thời gian tới.