Hà Nội kết nối

Bình Dương: GRDP 9 tháng năm 2024 tăng 7,05%

Minh Tuấn 22/10/2024 - 12:28

Sáng 22-10, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 9 tháng và những nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2024.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương Võ Anh Tuấn thông tin tại họp báo. Ảnh: M.T
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương Võ Anh Tuấn thông tin tại họp báo. Ảnh: M.T

Theo UBND tỉnh Bình Dương, trong 9 tháng năm 2024, nhìn chung kinh tế - xã hội của tỉnh đã cơ bản duy trì phát triển ổn định và đạt kết quả khả quan trên các lĩnh vực.

Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,05% so với cùng kỳ năm 2023. Các ngành công nghiệp chủ lực tiếp tục phục hồi, hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng khá; kim ngạch xuất khẩu đạt 26 tỷ đô la Mỹ, tăng 15,4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 18,4 tỷ đô la Mỹ, tăng 14,5%. Thặng dư thương mại 7,6 tỷ đô la Mỹ.

Thu ngân sách của tỉnh đạt 51.000 tỷ đồng, đạt 71% dự toán (trong đó, thu nội địa 37.000 tỷ đồng). Chi ngân sách thực hiện 12.000 tỷ đồng, đạt 39% dự toán.

Về giải ngân vốn đầu tư công, tính đến ngày 21-10, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công khoảng 6.803 tỷ đồng, đạt 44,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong khi đó, về thu hút đầu tư, tỉnh Bình Dương đã thu hút được gần 1,6 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài và 59.000 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước. Bên cạnh đó, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 30 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 96.000 tỷ đồng.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 111.000 tỷ đồng, tăng 7,6%.

kbd1.jpg
Các nhà máy, xí nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư tại thành phố Thuận An xả khói gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: H.P

Tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Hà thông tin, đến nay, Sở đã hoàn thiện đề án di dời các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam vào các khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Bắc. Hiện Sở đang trình UBND tỉnh xin ý kiến.

Theo kế hoạch đến năm 2030, tỉnh Bình Dương sẽ thực hiện di dời các doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh tại những khu công nghiệp nằm rải rác trong các khu dân cư thuộc địa bàn thành phố Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một, Tân Uyên và Bến Cát lên các khu, cụm công nghiệp phía Bắc của tỉnh.

Ước tính số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp thuộc diện phải di dời gần 290.000 người.

Sở Công Thương đề xuất về các tiêu chí đánh giá xác định các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, cụm công nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp thuộc 1 trong 4 tiêu chí sau buộc phải di dời, gồm: Doanh nghiệp vi phạm quy định của Luật Xây dựng, Luật Đô thị; doanh nghiệp không đảm bảo quy định về môi trường mà không thể khắc phục được; doanh nghiệp không đảm bảo các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và không thể khắc phục được; địa điểm hoạt động của doanh nghiệp không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất theo quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đối với các doanh nghiệp thuộc ngành nghề truyền thống như sơn mài, gốm, nếu cơ sở, doanh nghiệp thuộc tiêu chí "không phù hợp với quy hoạch", nhưng không vi phạm các tiêu chí còn lại thì không thuộc đối tượng buộc phải di dời.