Môi trường

BRICS hướng tới mốc sử dụng hơn 50% năng lượng tái tạo ngay trong năm 2024

Thanh Huyền 22/10/2024 - 12:23

Giới chuyên môn cho rằng các nước BRICS cần đầu tư mạnh mẽ và nhanh chóng vào hạ tầng lưới điện và lưu trữ năng lượng để tận dụng tối đa tiềm năng năng lượng tái tạo.

tass_24458713.jpg
Pin năng lượng mặt trời tại Cộng hòa Bashkortostan thuộc Nga. Ảnh: TASS

Các đánh giá mới chỉ ra, tỷ lệ nhiên liệu hóa thạch trong công suất điện của các nước BRICS sẽ lần đầu tiên giảm xuống dưới 50% ngay trong năm nay, nhờ vào sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo và cắt giảm sử dụng than, dầu khí ở Trung Quốc và một số quốc gia.

Đây là một cột mốc quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch của các quốc gia thuộc nhóm BRICS, vốn lâu nay vẫn chiếm phần lớn công suất điện từ than trên toàn cầu.

Các chuyên gia năng lượng cho rằng, để bắt kịp với sự gia tăng của năng lượng tái tạo, BRICS cần tăng cường đầu tư vào hệ thống lưu trữ năng lượng và cơ sở hạ tầng lưới điện.

Theo Tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu (GEM), Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil sẽ bổ sung 190GW điện từ các nguồn phi hóa thạch.

Điều này sẽ nâng tổng công suất điện phi hóa thạch đang hoạt động tại BRICS lên 2.289GW so với mức tối đa là 2.245GW công suất hóa thạch vào cuối năm nay, đồng nghĩa việc tỷ trọng điện từ các nguồn nhiên liệu phi hóa thạch trong BRICS lần đầu tiên vượt mốc 50%. Đây là thành tựu đáng nể bởi con số này chỉ là 30% vào năm 2007.

Ông James Norman, Giám đốc dự án của GEM đánh giá: “Nhóm BRICS đang đứng trước bước ngoặt quan trọng. Quá trình chuyển đổi năng lượng sạch thực sự đang diễn ra ở khắp mọi nơi”.

Theo GEM, quá trình chuyển đổi này do Trung Quốc dẫn đầu khi tỷ lệ công suất điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch của nước này đã giảm gấp đôi so với các nước BRICS khác trong 5 năm qua.

Theo báo cáo của GEM, Trung Quốc cũng chiếm 70% trong tổng số 814GW công suất điện mặt trời quy mô tiện ích đang được phát triển trên khắp các nước BRICS và 67% trong tổng số 744GW công suất điện gió đang được phát triển trên toàn khối.

Nước này cũng đang đặt mục tiêu “trung hòa carbon” vào năm 2060, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc giảm phát thải và chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch.