Trung Quốc phóng thành công vệ tinh Thiên Bình-3 vào quỹ đạo
Ngày 22-10, Trung Quốc đã phóng một vệ tinh mới vào không gian từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên ở tỉnh Sơn Tây.
Vệ tinh Thiên Bình-3, được phóng lúc 8h10 (giờ Bắc Kinh) bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-6 và đã thành công khi đi vào quỹ đạo được thiết lập trước. Vệ tinh này sẽ cung cấp các dịch vụ như khảo sát môi trường không gian khí quyển và hiệu chỉnh mô hình dự đoán quỹ đạo.
Theo các nhà chức trách, thông qua dự án mới nhất này, Trung Quốc mong muốn tăng cường sự hiện diện và năng lực trong công nghệ vũ trụ, đồng thời thúc đẩy hơn nữa những đóng góp của mình cho nghiên cứu khoa học và các dịch vụ dựa trên vệ tinh.
Nhiệm vụ này đánh dấu chuyến bay thứ 541 được thực hiện bởi loạt tên lửa đẩy Trường Chinh. Đầu năm nay, Trung Quốc đã phóng 3 vệ tinh mới, gồm: Thiên Bình-2A, Thiên Bình-2B và Thiên Bình-2C để thực hiện các cuộc khảo sát môi trường không gian khoa học.
Những năm qua, với nỗ lực không mệt mỏi của nhiều thế hệ phi hành gia và các nhà nghiên cứu khoa học, ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc đã gặt hái nhiều thành tựu, thể hiện qua các cột mốc quan trọng như phát triển vệ tinh nhân tạo, tàu vũ trụ có người lái, thăm dò thám hiểm Mặt Trăng và Sao Hỏa.
Ngành nghiên cứu không gian của Trung Quốc đồng thời bước vào con đường phát triển tự lực và đổi mới độc lập, thực hiện “4 chuyển đổi” từ “đi sau” sang “đi song song” và “dẫn đầu một phần," từ mô hình truyền thống sang mô hình hiện đại, từ ứng dụng thử nghiệm sang ứng dụng thương mại và phục vụ đất nước, góp phần vào thành tựu nghiên cứu không gian chung của nhân loại.
Sự kiện tàu vũ trụ Hằng Nga-6 của Trung Quốc hạ cánh và thu thập các mẫu vật từ vùng khuất của Mặt Trăng vào tháng 6 vừa qua được đánh giá là bước tiến mới khẳng định vị thế của Trung Quốc trong cuộc đua chinh phục không gian.