Sửa đổi chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp dược cần khả thi
Sáng 22-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Tham dự phiên họp có Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Bỏ nội dung điều chỉnh về oxy y tế
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về quy định chính sách ưu đãi đầu tư cụ thể để thúc đẩy hơn nữa việc phát triển công nghiệp dược trong nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến đại biểu về hai phương án.
Phương án 1, quy định cho phép áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với dự án thành lập mới trong lĩnh vực dược có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
Phương án 2, không quy định quy mô cụ thể mà dẫn chiếu áp dụng theo Luật Đầu tư, gấp 10 lần quy mô vốn so với phương án 1.
Tiếp thu ý kiến đại biểu đối với các quy định về kinh doanh chuỗi nhà thuốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung báo cáo đánh giá tác động, kinh nghiệm quốc tế và quy định về chuỗi nhà thuốc để tạo công cụ pháp lý quản lý hiệu quả hơn các chuỗi nhà thuốc đã và đang hoạt động như thực tiễn hiện nay. Đồng thời, bổ sung một số quy định để hạn chế nguy cơ tiềm ẩn liên quan trong hoạt động kinh doanh chuỗi nhà thuốc.
Về quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử, tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm; quy định loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc, các phương tiện điện tử cụ thể được phép kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử; quy định trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử...
Để vừa quản lý chặt chẽ việc lưu hành thuốc nhưng cũng tạo điều kiện cho các loại thuốc đã lưu hành ổn định, an toàn trên thị trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng phân loại các thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo các cấp độ khác nhau về tính chất của thuốc cũng như việc lưu hành để điều chỉnh các bước trong quy trình, thủ tục cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Trong một số trường hợp thuốc mới, thuốc cần tiếp tục theo dõi hoặc có cảnh báo về chất lượng, an toàn, hiệu quả, sẽ yêu cầu công tác thẩm định hồ sơ hoặc trưng cầu ý kiến của Hội đồng tư vấn; trong một số trường hợp khác, giấy đăng ký lưu hành thuốc sẽ được tự động gia hạn hoặc tự công bố việc thay đổi, bổ sung.
Dự thảo Luật đã bỏ nội dung điều chỉnh về oxy y tế và không sửa đổi thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề dược của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
Ngoài ra, để khắc phục khoảng trống pháp lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất quy định giao Chính phủ quy định chi tiết về khí y tế dùng trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại Nghị quyết của kỳ họp thứ tám.
Cần ưu đãi khuyến khích đầu tư vào công nghiệp dược
Đáng lưu ý, dự thảo Luật quy định UBND cấp tỉnh “Tổ chức tiếp nhận hồ sơ kê khai giá thuốc của các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn theo quy định tại Luật Giá”.
Về nội dung này, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) cho rằng, nếu không có tiêu chí để các địa phương có thể ban hành danh sách các cơ sở kinh doanh dược phải kê khai giá sẽ dẫn đến mỗi địa phương có cách tổ chức thực hiện khác nhau, cùng một doanh nghiệp kinh doanh trên nhiều địa bàn thì việc thực hiện kê khai giá cũng sẽ khác nhau.
“Hơn nữa, với các tỉnh, thành phố có quy mô lớn như Hà Nội (gần 10.000 cơ sở bán lẻ và 1.500 cơ sở bán buôn), quy định này tạo thêm nhiều công việc cho chính quyền địa phương, tăng gánh nặng về thủ tục cho các cơ sở kinh doanh dược khi thực hiện kê khai giá”, đại biểu nói và cho rằng, trong trường hợp chưa nghiên cứu đánh giá tác động, đề xuất chưa thực hiện việc kê khai giá đối với cơ sở bán lẻ thuốc vì tất cả cơ sở đều phải thực hiện niêm yết giá khi bán thuốc, phải thực hiện quy định liên thông dữ liệu trên hệ thống dược quốc gia.
Về số lượng thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành trên thị trường, đại biểu Nguyễn Văn Dương (Đoàn Tiền Giang) cho biết, hiện có hơn 22 nghìn thuốc có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực với trên 800 hoạt chất.
Đại biểu cho rằng, sẽ có một số loại thuốc giống nhau, trùng lặp, cấp phép với nhiều loại giấy đăng ký lưu hành, điều này làm gia tăng gánh nặng giải quyết hồ sơ cấp phép và tăng gánh nặng giám sát quản lý thị trường của cơ quan Nhà nước. Do vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về biện pháp hạn chế cấp mới số đăng ký thuốc để tránh việc trùng lặp.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung, quy định rõ các chính sách ưu đãi: Về thuế, vốn vay hoặc miễn giảm cho các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và phát triển thuốc mới, đặc biệt là thuốc công nghệ cao, để có thể phát triển và cạnh tranh với thị trường quốc tế. Các chính sách ưu đãi này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư mạnh hơn vào lĩnh vực này.
Cùng quan tâm đến chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp dược, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) và đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cả 2 phương án Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra là điều kiện rất khó khăn, bởi lĩnh vực được hưởng ưu đãi trong công nghiệp dược là phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền từ dược liệu trong nước, dược liệu, dược chất, thuốc mới, thuốc hiếm... Đây là những lĩnh vực rất hẹp, trong khi đó lại yêu cầu quy mô đầu tư rất cao, khả năng giải ngân trong 3 năm đầu hoàn toàn không khả thi. Do đó, các đại biểu cho rằng cần xem xét lại nội dung này.