Thế giới

Italia chuẩn bị quay lại với năng lượng hạt nhân

Thương Nguyệt 22/10/2024 - 09:38

Italia sẽ thành lập một công ty nhằm xây dựng các lò phản ứng hạt nhân tiên tiến trước thời điểm cuối năm 2024.

“Vào cuối năm nay, chúng tôi sẽ công bố một đơn vị công nghiệp có khả năng xây dựng các lò phản ứng hạt nhân và có thể xuất khẩu”, Bộ trưởng Công nghiệp Adolfo Urso phát biểu trước báo giới tại thành phố Milan hôm 21-10 (giờ địa phương).

Chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Giorgia Meloni cho rằng, các lò phản ứng mô-đun nhỏ và tiên tiến có thể giúp khử carbon thải ra từ hoạt động của các ngành gây ô nhiễm nhất tại quốc gia này, bao gồm thép, thủy tinh và sản xuất gạch ốp lát.

Dẫn lời Bộ trưởng Aldolfo Urso, AFP thông tin, Italia sẽ đưa ra khuôn khổ pháp lý vào cuối năm nay để bảo đảm các nhà máy điện hạt nhân thế hệ thứ ba và thứ tư có thể được lắp đặt tại quốc gia này,

kekqmrcgqzmybelw76w4qvrb5u.jpg
Italia dự kiến đưa năng lượng hạt nhân vào sử dụng trở lại sau nhiều năm cấm. Ảnh: Reuters

“Chúng tôi không muốn nhập khẩu lò phản ứng hạt nhân từ các quốc gia khác. Chúng tôi muốn xây dựng chúng bằng công nghệ và khoa học của Italia để xuất khẩu sang”, Bộ trưởng Aldolfo Urso nhấn mạnh.

Theo Reuters, các nhà máy điện hạt nhân đã bị cấm ở Italia sau cuộc trưng cầu dân ý năm 1987, chủ yếu liên quan đến thảm họa hạt nhân Chernobyl. Tháng 6-2011, tức 3 tháng sau thảm họa Fukushima ở Nhật Bản, phần lớn người dân Italia đã bỏ phiếu phản đối việc quay trở lại năng lượng hạt nhân trong một cuộc trưng cầu dân ý khác.

Tuy nhiên, Chính phủ Italia đang có kế hoạch soạn thảo những quy định cho phép sử dụng các công nghệ điện hạt nhân mới và tiến tới dỡ bỏ lệnh cấm, trong bối cảnh an ninh năng lượng đã trở thành vấn đề quan trọng kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát, khiến Italia buộc phải ngừng phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga.

Chính phủ cánh hữu cứng rắn của Thủ tướng Giorgia Meloni cũng tin rằng, năng lượng hạt nhân là yếu tố cần thiết để Italia có thể đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính xuống mức bằng 0 vào năm 2050.

Dù từ lâu đã là điều cấm kỵ ở Brussels nhưng điện hạt nhân hiện nay được hưởng lợi từ luật pháp dễ tiếp cận hơn như một đòn bẩy cho quá trình khử carbon bên cạnh năng lượng tái tạo.

Hồi tháng 2, Nghị viện châu Âu (EP) và các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí đưa toàn bộ ngành hạt nhân vào danh sách công nghệ chiến lược.

Bộ trưởng Aldolfo Urso cho biết, việc sử dụng năng lượng hạt nhân còn có thể giúp Italia giảm chi phí năng lượng vốn được đánh giá là quá cao so với các đối thủ cạnh tranh ở châu Âu.