Thế giới

Australia mua tên lửa tầm xa để tăng cường khả năng răn đe

Quỳnh Dương 22/10/2024 - 09:14

Ngày 22-10, Australia cho biết, nước này sẽ tăng cường phòng thủ tên lửa và không quân trong một thỏa thuận trị giá 7 tỷ đô la Australia (4,7 tỷ USD) với Mỹ để mua tên lửa tầm xa Standard Missile 2 Block IIIC (SM-2 IIIC) và Standard Missile-6 (SM-6) cho lực lượng hải quân.

1-23-.jpg
Tàu khu trục có tên lửa dẫn đường HMAS Parramatta (FFH 154) (trái) của Hải quân Hoàng gia Australia di chuyển cùng tàu tấn công đổ bộ USS America (LHA 6), tàu tuần dương tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga USS Bunker Hill (CG 52) và tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh-Burke USS Barry (DDG 52) của Hải quân Mỹ trong một hoạt động chung tại Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters

Hải quân Australia đã bắn thử tên lửa SM-6 do tập đoàn Raytheon (RTX.N) sản xuất từ một tàu chiến vào tháng 8 trong các cuộc tập trận với Mỹ tại Hawaii.

SM-6 là tên lửa phòng không hải quân tiên tiến nhất trong kho vũ khí của Mỹ, bao gồm chức năng chống lại tên lửa đạn đạo và cũng đã được thử nghiệm để tấn công tàu và mục tiêu trên mặt đất…

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cho biết, SM-6 sẽ được triển khai trên các tàu khu trục lớp Hobart và các khinh hạm lớp Hunter của hải quân trong tương lai.

"Tên lửa Standard Missile-6 và Standard Missile 2 Block IIIC sẽ cho phép hải quân của chúng tôi tấn công các mục tiêu trên biển, trên bộ và trên không ở tầm xa, đồng thời cung cấp khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo đầu cuối, tăng cường năng lực của Lực lượng phòng vệ Australia (ADF) trong việc bảo vệ người dân Australia và lợi ích của họ", ông Richard Marles cho biết trong một tuyên bố.

Năm ngoái, Australia cho biết, nước này sẽ ưu tiên năng lực tấn công chính xác tầm xa và củng cố các căn cứ phía Bắc trong cuộc cải tổ quốc phòng lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Động thái được đưa ra khi cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra gay gắt và có thể định hình lại cán cân lực lượng trong khu vực.

Canberra tăng cường khả năng răn đe bằng cách nhanh chóng thúc đẩy năng lực tấn công tầm xa của hải quân. Bộ trưởng Công nghiệp Quốc phòng Pat Conroy cho biết, Australia đang phải đối mặt với "môi trường địa chiến lược phức tạp nhất kể từ Thế chiến thứ hai".

Bên cạnh việc mua tên lửa, Australia cũng tăng cường phối hợp với Anh đẩy nhanh việc chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong khuôn khổ thỏa thuận an ninh ba bên Australia - Anh - Mỹ (AUKUS).

Để thúc đẩy việc bàn giao hạm đội tàu ngầm hạt nhân, Canberra sẽ đóng góp 4,6 tỷ AUD (3 tỷ USD) cho ngành công nghiệp sản xuất tàu của Anh để tạo ra các lò phản ứng hạt nhân cho tàu ngầm.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cho biết, khoản tài trợ này sẽ đảm bảo Australia mua được các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có trang bị tên lửa tầm xa. Theo ông, các tàu ngầm này cung cấp "khả năng phòng thủ quan trọng nhất" cho Australia.